Ở nước ta, rau dền chỉ là loại rau mọc dại nhưng ít ai biết ở Trung Quốc nó được ví là loại rau trường thọ, thậm chí còn được gọi là "bổ hơn thịt, rẻ hơn thuốc".
Rau dền nổi tiếng vì có tác dụng bổ máu và bổ xương. Hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Chính vì thế đây là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu. Ngoài ra, rau dền còn là loại rau chứa hàm lượng canxi cao. Trong 100g lá rau dền chứa đến 267mg canxi, đáp ứng 50% canxi cho một người mỗi ngày. Cũng vì sự dồi dào của canxi mà rau dền được coi là siêu thực phẩm có thể tăng cường sức mạnh của xương và ngừa loãng xương.
Ngoài ra, chất xơ có trong rau dền cũng như là một "chiếc chổi" làm sạch toàn bộ hệ thống tiêu hóa, loại bỏ độc tố ra ngoài. Nhờ vậy mà hệ tiêu hóa hoạt động tốt và nhịp nhàng hơn.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, rau dền có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có công dụng chữa bỏng, mụn nhọt, bệnh đường hô hấp…
Tại nước ta, rau dền luôn có sẵn và tươi ngon mơn mởn nhưng lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng khuyến cáo một số nhóm người cần tránh ăn rau dền vì có thể gây tác dụng phụ.
3 nhóm người không nên ăn rau dền
1. Người bị tiêu chảy không nên ăn rau dền
Rau dền là loại rau có tính mát, không phù hợp cho những người bị tiêu chảy mạn tính, lạnh bụng vì sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Người bị bệnh sỏi thận nên tránh ăn
Rau dền có chứa nhiều acid oxalic ảnh hưởng nhiều đến ức chế hấp thu canxi và kẽm. Dễ hình thành sỏi oxalate vì vậy các bệnh nhân đang bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sỏi thận cần tránh ăn rau dền.
3. Người có cơ thể tính hàn, phụ nữ đang mang thai hư hàn
Rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tính hàn. Biểu hiện người tính hàn là đi ngoài phân lỏng, sợ lạnh, thể lực kém. Phụ nữ mang thai hư hàn cũng không nên ăn rau dền.
Lưu ý khi ăn rau dền
Rau dền không nên hâm nóng nhiều lần vì có thể khiến nitrat có trong lá bị chuyển đổi thành nitrit, đây là một chất có thể gây ung thư thực quản, dạ dày...
Rau dền không nên kết hợp với thịt ba ba. Theo Đông y, việc ba ba và rau dền kết hợp với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.
Vị lương y khuyến cáo, sự kết hợp cùng rau dền với quả lê có thể gây cảm giác nôn và buồn nôn. Ngoài rau dền, sau khi ăn thịt ngỗng chúng ta cũng không nên tráng miệng bằng quả lê vì hai món này khi kết hợp có thể gây sốt.
Ngoài ra, khi ăn rau dền mọi người cũng nên ăn từ từ từng chút một bởi việc bổ sung đột ngột có thể cản trở quá trình tiêu hóa bình thường, thậm chí gây tiêu chảy.