Kỹ năng sống

Thông tin mới nhất về đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa tại miền Bắc

Mới đây, trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra nhận định về xu thế thời tiết những ngày sắp tới (từ 20/11 - 29/11). Theo đó, không khí lạnh tăng cường lệch Đông sau có cường độ ổn định, từ khoảng ngày 23-24/11 suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông, sau đó khoảng 2-3 ngày cuối có khả năng được tăng cường mạnh.  

Trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu; từ khoảng 21-22/11 hoạt động mạnh dần lên và có xu hướng lấn về phía Tây.

Trên đất liền những ngày tới, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá: ngày nắng, đêm không mưa. Đêm và sáng sớm trời rét; riêng 23-25/11, đêm và sáng sớm trời lạnh.

Trong khi đó, dự báo thời tiết 10 ngày tới, khu vực Nghệ An - Phú Yên từ 20-21/11 có mưa rải rác; từ đêm 21-29/11, duy trì hình thái có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và giông.

Các khu vực khác chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, ngày nắng.

Thông tin mới nhất về đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa tại miền Bắc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, trưa và chiều nay, Hà Nội nắng hanh, nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C. Độ ẩm ở mức phổ biến 62-75%.

Theo cơ quan này, do bộ phận không khí lạnh được tăng cường trở lại vào ngày 25/11 và tiếp tục được tăng cường với cường độ mạnh hơn vào ngày 27/11 nên Hà Nội khả năng có mưa nhỏ trong ngày 25/11, nhiệt độ giảm tới ngưỡng rét.

Nhận định về các hình thái thời tiết đáng lưu ý trong thời gian tới, chia sẻ với Đài phát thanh Truyền hình Hà Nội, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: từ nửa cuối tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, không khí lạnh có khả năng sẽ hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ. Đặc biệt, các vùng núi cao có thể đối mặt với hiện tượng băng giá, sương muối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương, đặc biệt ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, cần chuẩn bị các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài, cũng như ứng phó với nguy cơ ngập úng và sạt lở tại các vùng trũng thấp.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm