Tài chính

Suy thoái thị trường lao động văn phòng: Cống hiến 13 năm cho công ty vẫn bị sa thải, nộp 135 hồ sơ nhưng không một ai nhận

Tháng 1/2024, anh Jon Bach bị sa thải khỏi eBay, nơi anh đã làm việc trong 13 năm dù người đàn ông này rất yêu công việc của mình. Ban đầu anh Jon không hoảng sợ lắm vì tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ và anh có 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ. Tìm một công việc khác có thể khó đến mức nào?

Thế nhưng anh Jon nhanh chóng vỡ mộng với 135 đơn xin việc cho các vị trí, trong đó 91 đơn không có phản hồi, 42 đơn bị từ chối và chỉ 2 lần gọi lại nhưng chẳng có lời mời làm việc nào hết.

Tờ Business Insider (BI) cho hay dù các chỉ số của thị trường lao động Mỹ có vẻ ổn nhưng rõ ràng lao động ngành công nghệ và văn phòng đang đối mặt với thực trạng khó khăn hơn trước. Dù tuyển dụng vẫn duy trì với người lao động có thu nhập thấp nhưng với giới văn phòng, thời kỳ suy thoái đã bắt đầu.

Suy thoái thị trường lao động văn phòng: Cống hiến 13 năm cho công ty vẫn bị sa thải, nộp 135 hồ sơ nhưng không một ai nhận- Ảnh 1.

Số lượng đơn xin việc bình quân cho mỗi vị trí tuyển dụng đã tăng lên trong những năm gần đây

Số liệu của LinkedIn về tần suất người dùng nền tảng này có việc làm mới cho thấy giới văn phòng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì mất việc và khó xin việc. Thậm chí do các doanh nghiệp giảm tuyển dụng nhân sự nên họ còn sa thải chính nhân viên phòng nhân sự.

Lượng công việc ngành nhân sự theo Linkedin đã giảm 28% kể từ năm 2018 đến nay. Số việc làm trong mảng tiếp thị, vốn thường là bộ phận bị cắt giảm đầu tiên khi ngân sách hạn hẹp, cũng giảm 23%.

Tuy nhiên đáng ngạc nhiên nhất lại là mảng công nghệ khi số lượng tuyển dụng giảm 27%, trong khi mảng kỹ thuật, vốn thường không bị ảnh hưởng, cũng giảm 26%.

Việc cắt giảm số lập trình viên hiện nay đang ở mức không thể tưởng tượng được tại Thung lũng Silicon khi những lao động này thường được coi là "tài sản quý hiếm".

Trong khi đó, các ngành nghề trình độ thấp như nhân viên bảo vệ chỉ giảm 6%. Thậm chí mảng chăm sóc sức khỏe lại đang tăng 10% về số tuyển dụng.

Sợ hãi

Tờ BI cho rằng các hãng công nghệ lo sợ một cuộc suy thoái hậu đại dịch nên đã cắt giảm chi phí nhân sự sau quãng thời gian tuyển ồ ạt.

Báo cáo của LinkedIn cho thấy các doanh nghiệp đã tuyển dụng nhiều hơn 89% với các nhà quản lý sản phẩm, 79% đối với các chuyên gia nhân sự và 43% đối với các kỹ sư hậu đại dịch. Hậu quả là nhiều công ty buộc phải sa thải hàng loạt, thu hẹp đội ngũ hoặc ép cho nhân viên nghỉ việc.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lao động lựa chọn ở lại thay vì chuyển việc như trước đây cũng khiến thị trường việc làm không còn như trước. Bản thân người lao động cũng lo sợ suy thoái và mất cơ hội tìm việc mới nên lựa chọn ở lại nhiều hơn thay vì tìm việc mới.

"Một trong những điều chúng tôi nghe thấy nhiều lần là các ứng viên đang tìm kiếm sự ổn định, họ giờ đây cẩn thận hơn nhiều khi suy nghĩ về vấn đề chuyển việc", Jenny Diani, giám đốc cấp cao về tuyển dụng kỹ thuật toàn cầu tại Autodesk cho hay.

Hãng cung cấp phần mềm nhân sự Visier cho hay trong năm nay, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện của các khách hàng công nghệ của mình là dưới 20%, giảm so với mức gần 27% vào năm 2022.

Suy thoái thị trường lao động văn phòng: Cống hiến 13 năm cho công ty vẫn bị sa thải, nộp 135 hồ sơ nhưng không một ai nhận- Ảnh 2.

Tăng trưởng tuyển dụng lao động văn phòng tại các ngành nghề (%)

Ngoài ra, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) cũng đang khiến thị trường việc làm có nhiều biến động. Những công cụ như ChatGPT cho phép nhân viên công nghệ hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn, các nhà tuyển dụng có thể thấy ít cần phải tăng số lượng nhân viên hơn.

Trong một nghiên cứu, các lập trình viên được AI hỗ trợ nhanh hơn 56% so với các lập trình viên làm việc một mình. Thậm chí Google gần đây đã khoe rằng hơn một phần tư mã mới của họ hiện đang được tạo ra bởi AI.

Tồi tệ hơn, sự dư thừa lao động đang tạo ra một vòng luẩn quẩn khi kéo dài thời gian tuyển dụng.

Số liệu của Greenhouse cho thấy khách hàng của họ mất trung bình 52 ngày để tuyển dụng vào năm 2021 thì con số này hiện đã lên đến 66 ngày.

Mặc dù sự thu hẹp nhu cầu tuyển dụng khiến các doanh nghiệp tốn thời gian xem xét các hồ sơ hơn nhưng chính sự dư thừa lao động cũng góp phần khiến các phòng nhân sự tốn thời gian xét duyệt ứng viên hơn.

Nói cách khác, doanh nghiệp từng tốn một khoảng thời gian để xem xét các ứng viên đủ tiêu chuẩn thì nay phải tốn nhiều thời gian hơn với lượng hồ sơ nhiều hơn, qua đó càng làm thị trường thừa cung.

Thực tại mới

Theo BI, người lao động hiện nay đang khá sốc khi phải đối mặt với thực tại mới, đó là nộp hồ sơ nhiều nhưng chỉ nhận lại vài cuộc gọi ít ỏi. Đây là điều tất yếu khí thời gian xác nhận hồ sơ lâu hơn và cơ hội việc làm ít hơn, buộc mọi người phải rải nhiều đơn xin việc hơn để tăng tỷ lệ thành công.

Trường hợp nộp 135 hồ sơ của anh Bach nghe có vẻ điên rồ nhưng đây mới là thực tại mới trong ngành lao động.

Suy thoái thị trường lao động văn phòng: Cống hiến 13 năm cho công ty vẫn bị sa thải, nộp 135 hồ sơ nhưng không một ai nhận- Ảnh 3.

Bảng theo dõi hồ sơ xin việc của anh Rodriguez

Một ví dụ khác là anh Santiago Rodriguez vốn là nhân viên dữ liệu, đã nộp hồ sơ vào 669 vị trí nhưng vẫn chưa được nhận.

Số lượng hồ sơ xin việc quá nhiều đến mức anh Rodriguez đã phải xây dựng một bảng thông tin trực tuyến để theo dõi tiến trình các đơn xin việc của mình.

Thậm chí người đàn ông này còn làm phân tích dữ liệu để xem hồ sơ nào đang có tỷ lệ thành công cao hơn.

Tuy nhiên điều trớ trêu là khi một vị trí bị dìm ngập bởi các hồ sơ thì dường như chẳng có ai thực sự nổi bật. Số liệu của Greenhouse cho thấy trong quý I/2024, bình quân các doanh nghiệp nhận được 222 đơn xin việc, cao gần gấp 3 lần so với cuối năm 2021.

*Nguồn: BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm