Chứng khoán

Thống kê cho thấy thị chứng khoán Việt Nam thường khởi sắc trong tháng 3, lịch sử có lặp lại?

Trước tiên, tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng qua, VN-Index đảo chiều giảm sâu sau khi vượt ngưỡng 1.100 điểm trong tháng 1. Thành quả của thị trường gần như bị thổi bay hoàn toàn trong tháng 2 đỏ lửa.

Tưởng chừng như việc vượt được vùng 1.100 điểm giúp nhà đầu tư giải tỏa tâm lý trong ngắn hạn. Song lực bán gia tăng khiến đây trở thành vùng kháng cự mạnh của thị trường thời điểm hiện tại.

Đà đi xuống của thị trường trong tháng 2 đến từ việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ. Thêm vào đó, bức tranh trái phiếu doanh nghiệp ngày càng xám hơn khi nhiều doanh nghiệp công bố chưa thu xếp được nguồn tài chính khi đáo hạn gốc và trả lãi định kỳ. Danh sách chậm trả ngày một dài hơn và xuất hiện những cái tên doanh nghiệp địa ốc lớn, trong đó có Novaland (Mã: NVL).

Thị trường xuất hiện những thông tin không mấy tích cực, nhà đầu tư ngoại đảo chiều bán ròng trong khi dòng tiền trên thị trường ngày một suy yếu kéo VN-Index lùi về gần mốc 1.000 điểm. Đóng cửa tháng 2, VN-Index giảm 7,78% so với tháng trước, thu hẹp mức tăng từ đầu năm còn 1,75%.

Trước những diễn biến tiêu cực trong tháng vừa qua, nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong tháng 3 này khi thị trường bước vào mùa đại hội, các công ty công bố kế hoạch kinh doanh khởi sắc hơn trong năm nay. Lịch sử thống kê thị trường đang nghiêng về kịch bản tích cực trong tháng 3.

Hiệu suất theo tháng của VN-Index kể từ năm 2010. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Theo thống kê hiệu suất từng tháng của VN-Index, chỉ số này thường tăng điểm trong tháng 3 với 10/13 năm của giai đoạn (2010 - 2023). Tháng 3/2020, VN-Index giảm sâu tới 24,9% khi dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu và tác động nhiều hơn đến Việt Nam, cấm dứt chuỗi 4 năm tăng điểm liên tiếp.

Trong giai đoạn chứng khoán Việt Nam giao dịch ở vùng đáy, chỉ số này cũng tăng 4,1% năm 2012 và 3,47% năm 2013. Hai năm gần đây nhất, VN-Index tăng nhẹ 1,97% năm 2021 và 0,14% năm 2022.

 Hiệu suất theo tháng của VN30-Index kể từ năm 2010. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Tương tự với nhóm VN30, chỉ số này giữ sắc xanh vào tháng 3 trong 9/13 năm giai đoạn 2010 - 2022. Ngược chiều với VN-Index, chỉ số VN30 giảm nhẹ 0,57% năm 2022. Tháng trước đó, VN30-Index ghi nhận tình trạng tiêu cực hơn với mức giảm 9,79%, thu hẹp mức tăng từ đầu năm xuống còn 0,97%.

Sắc xanh được VN30-Index duy trì liên tiếp trong 5 năm (2010 - 2014) sau khi giảm điểm vào năm 2015. Ba năm sau đó, rổ VN30 tiếp tục diễn biến tích cực với mức tăng lần lượt là 5,36% (2017) và 4,05% (2018). Năm 2021 có tỷ lệ tăng là 1,93%.

 Hiệu suất theo tháng của HNX-Index kể từ năm 2010. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Với HNX-Index, chỉ số này tăng điểm vào tháng 3 trong 8/13 năm của giai đoạn 2010 - 2022. Hai năm gần đây HNX-Index tăng điểm 2,09% vào năm 2022 và 15,03% vào năm 2021. Tích cực hơn, UPCoM-Index tăng điểm 9/13 năm với mức tăng 3,75% (2022) và 5,43% (2021).

 Hiệu suất theo tháng của UPCoM-Index kể từ năm 2010. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Những thống kê trên mang tính chất tham khảo với nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động như hiện nay. VN-Index liên tục có những nhịp tăng giảm đan xen, biên độ biến động trong phiên cũng tương đối lớn, đặc biệt là về cuối phiên.

Trước xu hướng này, nhà đầu tư giao dịch thận trọng kéo giá trị giao dịch trong phiên xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Bình luận về tình trạng "cạn vol" của thị trường hiện nay, trong chương trình Bí mật đồng tiền", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng thị trường ở "vùng trũng" về mặt thông tin, bao gồm cả tin tốt và tin xấu. Khi bước vào mùa đại hội, kỳ vọng thị trường sẽ sôi động hơn với những thông tin về doanh nghiệp.

Bình luận về xu hướng hiện tại của thị trường, vừa mới đây, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund -  ông Petri Deryng cho rằngthị trường không thể đoán trước trong ngắn hạn” và lời khuyên cho nhà đầu tư lúc này là hãy kiên nhẫn.

Xu hướng rung lắc vẫn là chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund vẫn kỳ vọng một số yếu tố thúc đẩy thị trường khởi sắc trong năm 2023.

“Kỳ vọng lạm phát và quyết định lãi suất ở Mỹ dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư chung trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, nhiều vấn đề khác lại đóng vai trò quan trọng hơn, kéo thị trường chứng khoán đi xuống trong năm 2022. Dựa trên những tiền đề này, chúng ta có thể đánh giá rằng các yếu tố trong nước sẽ kích hoạt những chuyển biến lớn nhất cho Việt Nam trong 12 tháng tới”, ông Petri đưa quan điểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm