Tài chính

Thống đốc NHNN: Sẽ tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng trong vài ngày tới

Thống đốc NHNN: Sẽ tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng trong vài ngày tới- Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (Nguồn: SBV)

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sáng ngày 8/1/2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng còn lại trong vài ngày tới.

"Năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng; còn 2 ngân hàng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và vài ngày tới NHNN sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao", Thống đốc nói tại Hội nghị.

Tại Họp báo chiều ngày 7/1, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng thông tin rằng NHNN đã trình Chính phủ về việc chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém, bao gồm 1 ngân hàng từng mua lại 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). NHNN kỳ vọng việc này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Trước đó, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã được hoàn tất chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào ngày 17/10.

Ngoài 4 ngân hàng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Theo Phó Thống đốc, SCB là một ngân hàng có quy mô khá lớn. Đối với nhà băng này, NHNN đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. NHNN đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

GPBank và DongABank sẽ được chuyển giao cho ngân hàng nào?

Được biết, ngoài Vietcombank (nhận chuyển giao CB) và MB (nhận chuyển giao OceanBank), hiện còn có hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Cả hai ngân hàng này đều đã được cổ đông phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và đã chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận. 

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Tại một sự kiện hồi cuối năm 2023, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc VPBank, cho biết nhà băng này đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

Theo bà Nhung, VPBank là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. "Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực", Phó Tổng giám đốc VPBank nói.

Đối tượng hướng tới chưa được VPBank công bố nhưng thị trường có nhiều đồn đoán ngân hàng này sẽ là "bến đỗ" của GPBank. Trước đó, tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo VPBank cũng đã trình và được cổ đông phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém.

Nói về lý do VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, về năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vì các ngân hàng này có mức lỗ luỹ kế và nợ xấu lớn. Và VPBank "hơi đặc biệt" là với sự tham gia của SMBC đã giúp ngân hàng có nền tảng vốn lớn.

Theo ông Dũng, dưới góc độ tài chính, tham gia tái cơ cấu, VPBank không được lợi nhưng lại có những điểm hấp dẫn khác như:  tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở room sở hữu nước ngoài bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng có mong muốn được nâng tỷ lệ sở hữu lên.

"Ngoài ra, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng là góp phần giúp an ninh hệ thống ngân hàng tốt hơn, đóng góp với hệ thống", ông Dũng cho hay.

Tại HDBank, năm 2022, ngân hàng này từng xin ý kiến và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank cũng được cổ đông chấp thuận việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của NHNN; đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, trả lời về việc liệu có tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác hay không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: "Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank", bà Thảo nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm