Mới đây, Bộ Giáo dục đã chính thức chốt quy chế thi lớp 10. Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 sẽ gồm Toán, Văn và môn thứ ba cho địa phương lựa chọn nhưng phải thay đổi sau ba năm, công bố sau khi kết thúc học kỳ I.
Các tỉnh có thể chọn thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 hoặc kết hợp. Riêng với thi tuyển, kỳ thi gồm Toán, Văn và môn thứ 3 (hoặc bài thi tổ hợp). Môn thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Tuy nhiên, các Tỉnh, thành không chọn một môn quá ba năm liên tiếp.
Các tỉnh thành có thể công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn 31/3 hàng năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý cùng những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Luân phiên thay đổi môn: Tránh học lệch
Nhiều phụ huynh đồng tình với việc không cố định môn thi thứ 3. Điều này có thể giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, khi phải học và ôn tập nhiều môn hơn.
Toán và Ngữ văn là hai môn nền tảng, đại diện cho khối Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, học sinh có định hướng đi làm ngay hay học tiếp cao đẳng, đại học đều cần. Với các môn còn lại, không nên quan niệm đâu là môn chính, môn phụ mà tất cả có giá trị như nhau bởi đều kiến tạo năng lực cơ bản cho người học. Vì vậy, không nên cố định một môn nào.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, nên cố định 3 môn là Toán, Văn và tiếng Anh. Giáo dục cần ổn định trong quy chế, sáng tạo trong nội dung. Việc thay đổi môn thi chẳng khác nào chơi trò "túi mù", khiến học sinh bị động. Thêm vào đó, tổ chức thi cố định ba môn này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Khi phải ôn luyện quá nhiều môn thi, học sinh không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gặp phải áp lực tinh thần rất lớn.
Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa giúp học sinh tiếp cận với nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp trong tương lai.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc có một nền tảng vững chắc về Tiếng Anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển nghề nghiệp và tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Việc đưa Tiếng Anh vào kỳ thi lớp 10 là một bước đi cần thiết để thúc đẩy năng lực ngoại ngữ của thế hệ trẻ, giúp các em sẵn sàng đối diện với thử thách và cơ hội trong tương lai.
Nhiều giáo viên nhận thấy rõ sự tiến bộ của học sinh từ khi tiếng Anh trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc vào năm 2015. Phải mất một thời gian dài, năng lực ngoại ngữ của học sinh mới được nâng lên như hiện nay, nếu không bắt buộc thi, họ lo học sinh có thể xem nhẹ, lơ là, học đối phó môn này.
Tuy nhiên, một số quan điểm khác lại cho rằng chúng ta không nên quá lo ngại về vấn đề này. Bởi lẽ, hầu hết các trường đại học hiện nay đã đưa tiếng Anh vào các tổ hợp xét tuyển, hoặc yêu cầu kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp.
Vì vậy, nếu học sinh có mục tiêu vào đại học, việc học và thi tiếng Anh là điều không thể tránh khỏi. Thực tế, nhiều em học sinh ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của ngoại ngữ và chủ động phát triển cả bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết, thay vì chỉ chú trọng vào việc học ngữ pháp để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Tôi dạy tiếng Anh trên 30 năm nhưng chưa bao giờ cho rằng học sinh tiến bộ là nhờ bị ép buộc thi cả, các thầy cô nên tự nâng cao năng lực sư phạm để truyền đạt kiến thức tốt hơn thay vì mong chờ những giải pháp ép buộc", một giáo viên nêu ý kiến.
Về việc yêu cầu các tỉnh, thành công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn 31/3 hàng năm, nhiều người lo ngại điều này tạo ra những áp lực không đáng có đối với học sinh. Nếu môn thi thứ 3 "dính" vào tổ hợp KHTN thì thật sự các bạn học sinh có vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp.
Áp lực chủ yếu do người lớn tạo ra
Nói về quy chế thi mới, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán (Hà Nội) cho rằng: Việc không ấn định Tiếng Anh là môn thi bắt buộc cũng có mặt tích cực, bởi khi đó, việc dạy và học tiếng Anh sẽ tự nhiên hơn, vấn đề nghe, nói và sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày được chú trọng hơn, không phải học để thi.
Việc luân phiên thay đổi môn thứ 3 có cả ưu và nhược điểm. Về tích cực, nó giúp cho học sinh học toàn diện, không học tủ, học lệch, đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt trái của nó là tạo áp lực, điều này đã được thể hiện qua nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, áp lực này chủ yếu do người lớn tạo ra khi chúng ta thường xuyên trao đổi, dự đoán, đề nghị nên thi môn này, môn kia trong khi các con đang tập trung vào việc học. Cần thay đổi chỗ này, báo chí cũng đóng vai trò quan trọng.
"Về thời gian công bố môn thứ 3 sau HK1 và trước 31/1 hàng năm, Hà Nội và nhiều Tỉnh đã làm việc này nhiều năm. Đúng là có những áp lực nhưng một phần là do người lớn, một phần do có những năm lại không theo quy tắc đấy.
Bởi vậy, chúng ta cần truyền thông điểm tích cực và áp dụng quy tắc một cách ổn định. Khi mọi thứ trở nên quen thuộc và bình thường thì sẽ không căng thẳng nữa. Tôi nhấn mạnh là, hầu hết các áp lực trong giáo dục là do thay đổi nhiều, thay đổi nhanh quá. Tôi đồng thuận với quy chế thi vào 10 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố và cũng mong tất cả chúng ta ủng hộ để việc triển khai sắp tới suôn sẻ, hiệu quả", thầy Tùng nhận định.
Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả của cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" thì cho rằng, việc cố định Toán, Văn và môn thứ ba cho địa phương lựa chọn khiến phụ huynh yên tâm, thay vì bốc thăm mang tính may rủi, các Sở GD có thể chọn môn thi thứ ba trong 3 năm liên tiếp, như vậy có sự ổn định hơn.
Ngoài ra quy chế quy định, việc công bố môn thứ ba có thể bắt đầu sớm ngay khi kết thúc HK1. Với quy chế như này, anh Phúc hy vọng các Sở công bố sớm thay vì hạn chót là 31/3 hàng năm.
Tâm tư của phụ huynh đều mong cố định ba môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, đó là nguyện vọng chính đáng, nó xuất phát từ thực tiễn.
Tuy vậy khi Bộ đã chốt phương án tuyển sinh, các Sở có thể cân nhắc theo đúng quy chế nhưng vẫn đảm bảo để phụ huynh và học sinh không quá áp lực.
Dù đồng tình với quy chế thi mới, tuy nhiên, anh Phúc cũng cho rằng, kỳ thi vào 10 luôn khốc liệt khi có tới 35 - 40% số thí sinh dừng bước trước cổng trường công lập. Chỉ khi nào có thêm trường THPT được xây mới, lúc đó học sinh cuối cấp THCS mới thực sự không quá lo lắng.