Tăng lãi suất 50 điểm, tại sao không?
Chia sẻ với CNBC, ông Christopher Waller - Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho biết để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phải tăng lãi suất nhanh hơn bình thường.
Điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ tăng lãi suất ngắn hạn thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm %) tại cuộc họp tháng 5 tới và có thể tiếp tục thực hiện động thái tương tự trong vài tháng tới. Thông thường, Fed chỉ tăng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản.
“Tôi nghĩ dữ liệu kinh tế thời gian gần đây đã củng cố cơ hội tăng lãi suất 0,5 điểm %. Nếu Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) chọn phương án này, rõ ràng chúng tôi có cơ sở để làm vậy”, ông Waller nhấn mạnh.
“Tôi thích tăng lãi suất mạnh tay từ đầu, sau đó giảm dần về sau. Vì vậy, tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5 là khá phù hợp, và FOMC có thể thực hiện bước đi tương tự vào tháng 6 và 7”, vị thống đốc nói tiếp.
Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường bây giờ cũng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng tới, cũng như phiên tiếp theo vào tháng 6. Mức tăng của tháng 7 cũng đang nghiêng theo hướng đó, với xác suất tăng 50 điểm cơ bản khác là 56,5%.
Nhìn chung, nếu ngân hàng trung ương Mỹ quyết định hành động mạnh tay, thị trường và các nhà đầu tư hẳn sẽ không ngạc nhiên, CNBC cho hay.
Thống đốc Waller cho biết, ông nghĩ Fed có thể siết chặt chính sách tiền tệ bây giờ vì nền kinh tế đã đủ vững vàng để chịu lãi suất cao hơn. Fed đang tìm cách tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát ở mức đỉnh hơn 40 năm.
“Tôi nghĩ chúng tôi đang phải đương đầu với lạm phát. Chúng tôi đã vạch ra kế hoạch riêng. Nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái ổn định, nên đây là thời điểm tuyệt vời để đưa ra những hành động mạnh tay…”, ông Waller nhấn mạnh.
Bất đồng bên trong Fed
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến bất đồng giữa các thành viên FOMC về cuộc chiến chống lạm phát.
Hồi tháng 3, những người ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản chỉ chiếm đa số nhỏ so vơi những người muốn tăng gấp đôi. Trong các tuyên bố công khai, giới chức Fed cũng đưa ra những quan điểm khác nhau về hướng đi chính sách của ngân hàng trung ương này.
Ông Waller nằm trong nhóm muốn tăng lãi suất vượt qua mức “trung lập”, tức là điểm mà các nhà hoạch định chính sách coi là không hạn chế cũng không mang tính kích thích. Lãi suất trung lập hiện nay nằm quanh mức 2,5%.
Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, các nhà hoạch định chính sách như Thống đốc Lael Brainard và Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans lại nói họ muốn đưa lãi suất về mức trung lập, sau đó đánh giá những bước đi cần thiết trong tương lai.
Chia sẻ về áp lực giá cả, Thống đốc Christopher Waller cho biết ông tin tưởng lạm phát sẽ bắt đầu giảm xuống, ngay cả khi tác động của Fed trong việc nâng đỡ chuỗi cung ứng đang khá hạn chế.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là làm giảm bớt nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng xuống và sau đó làm dịu bớt áp lực giá cả mà người dân phải trả cho những sản phẩm này”, ông Waller bày tỏ.
“Chúng ta không thể sản xuất thêm thịt, thêm chất bán dẫn, nhưng chúng ta có thể tác động đến nhu cầu của các hàng hóa này để hạ nhiệt lạm phát”, vị thống đốc nói thêm.
Đầu ngày 13/4, chia sẻ về các thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Fed, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - một cựu Chủ tịch Fed, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của họ là đưa lạm phát đi xuống”.
“Fed có một nhiệm vụ kép, là làm sao phải duy trì thị trường việc làm vững mạnh đồng thời kiềm chế lạm phát. Trong quá khứ, Fed đã từng làm điều này nhiều lần. Đây không phải nhiệm vụ bất khả thi, nhưng cần kỹ năng và may mắn”, bà Yellen cho hay.