Chuối - ứng cử viên số 1 hỗ trợ tốt sức khỏe đường ruột
Chuối chứa nhiều dưỡng chất tốt cho đường ruột, như:
Giàu chất xơ: Cả chất xơ hòa tan và không hòa tan trong chuối đều giúp thúc đẩy quá trình đào thải, làm mềm phân, giúp dễ đại tiện hơn. Một quả chuối chín nhỏ chứa khoảng 2 g chất xơ, trong khi một quả chuối vừa chín có thể chứa khoảng 4,5 g chất xơ, theo Verywell Health (Mỹ).

Chuối xanh chứa đến 21 g tinh bột kháng, phù hợp với người cần kiểm soát đường trong máu
Ảnh: AI
Chứa prebiotics (chất tiền sinh học): Prebiotics hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện khả năng hấp thụ khoáng chất và điều hòa đường huyết. Bổ sung khoảng 5 g prebiotics mỗi ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.
Nguồn tinh bột kháng: Chuối xanh là nguồn giàu tinh bột kháng không thể phân giải bởi hệ tiêu hóa. Thay vào đó, tinh bột kháng được lên men trong đại tràng, giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi. Chúng còn đóng vai trò trong việc phòng ngừa các bệnh lý và ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa.
Đặc biệt, chuối giúp kích thích sản xuất chất nhầy từ niêm mạc dạ dày, tạo hàng rào bảo vệ chống lại các axit gây trào ngược và buồn nôn. Ăn chuối khi buồn nôn cũng là cách cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết mà không làm bụng khó chịu.
Lựa chọn ăn chuối theo độ chín phù hợp thể trạng
Chuối chưa chín chứa nhiều tinh bột kháng và ít đường, vì vậy thường phù hợp hơn với những người cần kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngược lại, chuối chín kỹ (vỏ chuyển nâu) có độ mềm cao và hơi bở. Chuối chín cũng ngọt và chứa ít tinh bột hơn so với lúc chưa chín hẳn.
Theo một báo cáo, một quả chuối chưa chín nhỏ có thể chứa đến 21 g tinh bột kháng, trong khi một quả chuối chín hoàn toàn chỉ chứa khoảng 1 g.
Ai nên hạn chế ăn chuối?
Một số đối tượng sau có thể nhạy cảm với các thành phần nhất định trong chuối:
Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS): Chuối chín chứa nhiều chất xơ oligo-fructan, có thể gây khó chịu đường ruột và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở người bị IBS. Nếu bạn mắc IBS, hãy chọn chuối còn hơi xanh vì chúng chứa ít oligo-fructan hơn, dễ tiêu hóa.
Suy tim: Người bị suy tim thường dùng thuốc có liên quan đến việc tăng kali máu. Do đó, họ nên kiểm soát lượng kali nạp vào từ thực phẩm, trong đó có chuối.
Bệnh thận giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này, thận không còn khả năng điều hòa lượng kali trong máu. Vì thế, người bệnh có thể được khuyến nghị hạn chế thực phẩm giàu kali như chuối.

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy ăn 2 quả chuối mỗi ngày giúp ngủ ngon hơn
Ảnh: AI
Thời điểm nào trong ngày ăn chuối tốt nhất?
Không có thời điểm nào là “chuẩn” để ăn chuối, tuy nhiên, bạn có thể chọn thời điểm ăn phù hợp với các mục tiêu hoặc hoạt động cụ thể.
Trước khi tập luyện: Chuối cung cấp tinh bột dễ tiêu hóa, mang lại nguồn năng lượng nhanh chóng để vận động hiệu quả hơn.
Sau khi tập luyện: Chuối giúp phục hồi thể lực nhờ chứa tinh bột, các chất điện giải như magie và kali, bổ sung năng lượng đã tiêu hao, hỗ trợ cơ bắp hồi phục.
Trước giờ đi ngủ: Một nghiên cứu nhỏ cho thấy người lớn tuổi ngủ ngon hơn khi ăn 2 quả chuối mỗi ngày. Vì chuối chứa một chất có thể được chuyển hóa thành serotonin và melatonin - 2 hormone hỗ trợ giấc ngủ.
Theo đó, nghiên cứu ghi nhận rằng ăn 2 quả chuối mỗi ngày giúp tăng mức melatonin trong máu hơn 500%. Ngoài ra, magie và kali trong chuối cũng được cho là có liên quan đến việc cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy vậy, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ vai trò này.