
Những cái tên mới trên thị trường ngân hàng
Tháng 2/2025, sau một tháng chuyển giao bắt buộc về với HDBank, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đông Á (DongABank) chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank). Cùng với đổi tên, Vikki Bank cũng thay ngay bộ nhận diện thương hiệu mới và dời trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội.
Động thái này là một bước ngoặt quan trọng của Ngân hàng Đông Á – nhà băng từng vang danh một thời, bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 sau những sai phạm dưới thời ông Trần Phương Bình.
Trước đó, hai ngân hàng “0 đồng” Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng Thương mại TNHNN Một Thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng lần lượt đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) và Ngân hàng TNHH Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV) ngay sau khi về chung nhà với Vietcombank và MB.
Chỉ duy nhất Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là vẫn đang giữ nguyên tên gọi sau khi về với VPBank.
Như vậy tính đến nay, trong 5 ngân hàng thuộc diện yếu kém: ba ngân hàng bị mua lại bắt buộc (GPBank, OceanBank, CBBank) và hai ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt (DongABank và SCB) thì chỉ còn duy nhất SCB vẫn thuộc tiếp quản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vikki Bank, VCBNeo, MBV, những cái tên mới mang phong cách hiện đại không những cho thấy sự “lột xác” toàn diện mà còn thể hiện rõ nét chiến lược phát triển mới của các ngân hàng này đó là tập trung “số hoá”.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Vikki Bank trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết HDBank sẽ tái cấu trúc ngân hàng này trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp và thủ tục đơn giản thông qua kênh số.
Theo chia sẻ từ đại diện VCBNeo, tên gọi "VCBNeo" là sự kết hợp giữa "VCB" và "Neo" - viết tắt của "New Electronic Omnichannel", thể hiện định hướng phát triển ngân hàng số đa kênh. Cùng với ra mắt ứng dụng mới NeoOne, 92 điểm giao dịch trên toàn quốc của VCBNeo cũng được nâng cấp để tích hợp giữa trải nghiệm số và phục vụ trực tiếp.
Còn MBV cũng công bố tầm nhìn trở thành một ngân hàng hiện đại, ứng dụng công nghệ để mang đến những giải pháp tài chính cá nhân hóa có hàm lượng công nghệ cao,… với định hướng tập trung vào sản phẩm bán chéo (cross-selling) tiếp cận danh mục khách hàng trong hệ sinh thái của MB Group.
Chuyển từ lỗ sang lãi ngay trong năm nay
Không chỉ đơn thuần là thay tên, đổi giao diện, những ngân hàng “mới” này cũng đang có những chuyển biến cả từ bên trong. Một số ngân hàng dự kiến sẽ có lãi trở lại ngay trong năm nay.
"MB đang tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt và dự kiến MBV sẽ có lãi trở lại trong năm nay", Chủ tịch MB Lưu Trung Thái chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4.

Ông Lưu Trung Thái chia sẻ lạc quan về kết quả kinh doanh của MBV trong năm 2025. (Ảnh: MB).
Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Thành Trung - Chủ tịch MBV cho biết khi nhận chuyển giao MBV, MB đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh trong ba năm cho ngân hàng để có thể đạt được mục tiêu có lãi trong năm 2025.
Cụ thể, MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Ngân hàng mẹ sẽ hỗ trợ MBV rất mạnh mẽ về chuyển giao giải pháp và công nghệ. Bên cạnh đó, MBV cũng sẽ nhận được một số hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ.
"Tôi khẳng định với hỗ trợ đó thì chúng ta có thể hoàn thành đề án theo kế hoạch là 10 năm", ông Trung nói.
Chia sẻ về tình hình GPBank tại đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng tỏ ra rất lạc quan với công cuộc tái cấu trúc. "Trước khi chuyển giao GPBank lỗ bình quân năm khoảng 1.000 tỷ trở lên. Trong năm nay, mặc dù chỉ còn 8 tháng nữa đến cuối năm, thay vì lỗ thì sẽ GPBank sẽ đạt mức lợi nhuận 500 tỷ", ông tiết lộ.
Vị này cho hay ngân hàng đã sắp hoàn tất việc xây dựng chiến lược cho GPBank với sự hỗ trợ tư vấn từ McKinsey. Ngân hàng cũng đã nhận được danh sách nhân sự được NHNN chuẩn y và chuẩn bị cử người của VPBank sang.
Tại VCBNeo, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngay khi tiếp nhận Vietcombank đã tích cực rà soát toàn bộ hoạt động của VCBNeo nhằm nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, điểm yếu và xây dựng lộ trình hành động phù hợp, phục hồi hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả.
Tính đến ngày 26/4, Vietcombank đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho VCBNeo nhằm đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin. Ông Tùng cho biết trong thời gian tới, nhiều hệ thống công nghệ sẽ tiếp tục được chuyển giao cho VCBNeo theo chuẩn mực của Vietcombank.
“Chúng tôi chắc chắn lộ trình sẽ thành công và sẽ thông tin thêm khi có kết quả cụ thể", Chủ tịch Vietcombank khẳng định.
Cùng chung sự lạc quan đó, với vai trò người tiếp nhận DongABank nay là Vikki Bank, Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cũng thể hiện sự tin tưởng vào khả năng thành công của phương án tái cơ cấu.
Ông cho biết HDBank đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện công tác nhân sự, quản trị, tài chính, nguồn vốn, đặc biệt chuyển đổi từ một ngân hàng truyền thống bị kiểm soát đặc biệt sang ngân hàng số.
"Chúng tôi tin rằng với sự chuẩn bị và nguồn lực từ HDBank và sự hỗ trợ từ NHNN, hợp lực từ tập đoàn tài chính HDBank, thì quá trình tái cấu trúc và phát huy thực hiện được toàn diện chiến lược của Vikki Digital Bank sẽ thành công sớm.", ông Phạm Quốc Thanh nói.
CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng các ngân hàng mẹ có đủ nguồn lực để hấp thụ và quản lý hoạt động của ngân hàng được chuyển giao. Những ngân hàng lớn, với bộ đệm vốn mạnh sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán và sự phục hồi của các ngân hàng được chuyển giao trước những cú sốc trong tương lai, nâng cao niềm tin của thị trường vào khả năng hoạt động liên tục của các ngân hàng được tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn nhận chuyển giao bắt buộc sẽ nhận được một số lợi ích và miễn trừ từ NHNN, bao gồm tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành, hỗ trợ giảm 50% dự trữ bắt buộc và hỗ trợ thanh khoản khi vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, phát hành trái phiếu dài hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.