Công nghệ

Thời của gian lận deepfake thời gian thực

Tóm tắt:
  • Kẻ lừa đảo dùng deepfake thay đổi mặt, giọng nói tạo nhiều người trong cuộc gọi để lừa nạn nhân.
  • Phần mềm AI mới cho phép điều chỉnh kịch bản, giao tiếp thời gian thực trong cuộc gọi video giả mạo.
  • Chúng sử dụng công cụ biến đổi giọng nói và ghép ảnh giả để tăng tính thuyết phục, đánh lừa các hệ thống xác thực.
  • Deepfake giúp tội phạm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, nhận hoàn thuế và tăng gian lận lên 2.137% ba năm qua.
  • Các chuyên gia, cảnh sát kêu gọi thận trọng, luật pháp quản lý AI để ngăn chặn lừa đảo deepfake ngày càng tinh vi.

"Anh thấy em đẹp và lộng lẫy hơn nhiều so với bức ảnh gửi cho anh", người đàn ông da trắng với bộ râu muối tiêu nói chuyện qua Skype. Người phụ nữ cười mỉm cười. "Anh nghĩ nên có ai đó đến để bảo vệ em với sắc đẹp này", người đàn ông tiếp tục.

Một ứng dụng miễn phí trên smartphone tạo video deepfake dễ dàng. Ảnh: Khương Nha

Một ứng dụng miễn phí trên smartphone tạo video deepfake dễ dàng. Ảnh: Khương Nha

Người đàn ông không tồn tại, đó là deepfake thời gian thực do một kẻ lừa đảo tạo ra nhằm dụ dỗ con mồi để lấy tiền. Deepfake là thuật ngữ kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) để ghép khuôn mặt, giọng nói... nhằm tạo cảm giác như thật.

Trước đây, ảnh và video deepfake thường được tạo ra và chỉnh sửa hoàn thiện từ trước. Tuy nhiên, theo 404Media, việc lừa đảo đang tiến thêm một bước mới nhờ sự tiến bộ của AI. Kẻ xấu có thể ngồi một chỗ, sử dụng laptop và phần mềm biến đổi diện mạo của mình thành ông già lớn tuổi, thanh niên trẻ trung, phụ nữ sành điệu... với giọng nói khác nhau ngay trong một cuộc gọi video. Tất cả tạo nên kịch bản như thể nhiều người đang tham gia, nhưng thực chất chỉ có một người ngồi sau màn hình. Kẻ lừa đảo thậm chí có thể nhanh chóng tạo ảnh khớp với thông tin trên giấy phép lái xe, hồ sơ cá nhân để tăng tính thuyết phục.

"Bây giờ, mọi thứ dễ dàng hơn nhiều", người có biệt danh Format Boy trong nhóm Yahoo Boys nói với 404Media qua Telegram. Yahoo Boys là một nhóm tội phạm ở Nigeria, thường sử dụng email Yahoo để lừa đảo. "Có những thứ trước đây không thể thực hiện nhưng giờ chỉ cần vài thao tác", người này cho biết.

Thay vì chỉnh sửa và lên sẵn lời thoại như trước, công cụ deepfake thế hệ mới cho phép kẻ lừa đảo giao tiếp với nạn nhân và liên tục điều chỉnh kịch bản theo thời gian thực, ứng biến nhanh chóng trong cuộc gọi video hoặc livestream mà không bị phát hiện.

Format Boy mô tả, kẻ tấn công sẽ sử dụng điện thoại, máy tính xách tay, một phần mềm quay màn hình, công cụ phát trực tiếp OBS thiết lập camera ảo và ứng dụng hoán đổi khuôn mặt như Amigo AI và Magicam.

Đại diện Amigo AI không bình luận, trong khi Magicam cho biết "không ghi nhận trường hợp nào liên quan đến việc sử dụng ứng dụng cho hoạt động gian lận".

Sau khi thiết lập, kẻ lừa đảo sẽ gọi video qua các ứng dụng như WhatsApp, Skype, Zoom, Google Hangouts hay Telegram. Để tăng tính thuyết phục và tránh bị phát hiện, chúng sử dụng công cụ biến đổi giọng nói. Tùy thuộc mục đích, chúng có thể giả nhiều giọng của nhiều người khác nhau trong cùng một cuộc gọi.

Các chuyên gia an ninh mạng cho biết kẻ lừa đảo thậm chí sử dụng deepfake thời gian thực để nhắm vào các hệ thống vốn được phát triển để kiểm tra người xuất hiện trong camera có phải người thật hay không.

"Một số đối tác của chúng tôi đã bị lừa bởi thông tin giả mạo đó", David Maimon, người đứng đầu bộ phận kiểm tra gian lận tại công ty an ninh mạng SentilLink và giáo sư Đại học bang Georgia, nói.

Maimon cho biết kẻ gian có thể tạo ảnh khuôn mặt bằng ChatGPT, ghép chồng ảnh đó lên giấy phép lái xe của một người bị đánh cắp danh tính, sau đó xin cấp lại tài khoản ngân hàng trực tuyến và thành công. Một trường hợp khác cho thấy kẻ lừa đảo nộp tờ khai thuế của nạn nhân nhưng gắn số tài khoản của mình để nhận hoàn thuế.

"Khi phía ngân hàng hoặc cơ quan chuyên trách yêu cầu xác thực thông qua cuộc gọi video, deepfake sẽ làm giả khuôn mặt, rất khó phát hiện", Maimon cho biết.

Theo báo cáo của công ty nhận dạng kỹ thuật số Signicat (Na Uy) hồi tháng 2, các vụ gian lận liên quan đến deepfake tăng 2.137% ba năm qua. Trước 2022, mức tăng chỉ 0,01%. Giới bảo mật xếp deepfake là một trong ba phương pháp gian lận phổ biến nhất giai đoạn 2022-2024.

Lừa đảo bằng deepfake được đánh giá là mặt trái đáng lo ngại của AI, thúc đẩy nhà quản lý toàn cầu đưa ra luật nhằm buộc doanh nghiệp, cá nhân sử dụng AI có trách nhiệm. Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol cảnh báo AI đang góp phần đẩy nhanh tốc độ phạm tội. Giới chức Mỹ cũng cho rằng cách tốt nhất tránh bị lừa là "không bao giờ tin những người chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền số, cũng như hứa hẹn về lợi nhuận khổng lồ từ những khoản đầu tư nhỏ lẻ".

tổng hợp

Các tin khác

Lãi suất huy động tiếp đà giảm

Những ngày cuối tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng tiếp tục giảm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đều về từ mức 6%/năm trở xuống. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm xuống 2,46%/năm, mức thấp nhất tính từ đầu năm.

Giá vàng thế giới tăng vọt

Vàng thế giới bước vào phiên giao dịch Mỹ ngày 30.4 đã tăng vọt trở lại sau đà giảm giá mạnh trước đó.

Công an Hà Nội vạch trần thủ đoạn của đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tăng cường sinh lý giả

Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm bán thuốc nam giả nhãn hiệu Kháu Vài Lèng, Đại Tràng HG qua mạng xã hội, thu giữ gần 3 tấn sản phẩm. Đáng chú ý, thủ đoạn của các đối tượng trong ổ nhóm này rất tinh vi, chúng cất giấu hàng hóa tại bưu cục giao hàng nhằm thuận tiện trong việc bán hàng giả…

Giá Pi trong tháng 5 sẽ như thế nào?

Trong tháng 5, một sự kiện quan trọng được kỳ vọng thúc đẩy giá trị đồng Pi. Tuy nhiên Pi Network có thể vẫn phải chịu áp lực bán đáng kể đến từ việc mở khóa token.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất Quý I/2025 tăng trưởng 14,6%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.381 tỷ đồng, tăng 2,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Đồng Tâm Group của đại gia Võ Quốc Thắng đang kinh doanh ra sao?

Khởi đầu từ một xưởng sản xuất gạch bông vào năm 1969, đến nay Đồng Tâm Group do đại gia Võ Quốc Thắng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trở thành tập đoàn đa ngành với quy mô tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng.