Kỹ năng sống

Thợ xăm nữ ở Trung Quốc gặp khó

Xăm hình nghệ thuật ngày càng thịnh hành với giới trẻ, nhưng vẫn bị kỳ thị nặng nề trong xã hội Trung Quốc. Các nghệ sĩ xuất hiện trên sóng truyền hình đều phải che kín hình xăm của bản thân. Trong khi những thợ xăm, đặc biệt là nữ giới bị mặc định là kẻ đứng ngoài xã hội, có trình độ học vấn thấp và nghèo.

Để tìm hiểu xem liệu định kiến này có đúng hay không, Yang Chengyang, sinh viên Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại học Trung Quốc, Hong Kong đã tiến hành một cuộc nghiên cứu thực địa tại một số studio xăm hình tại Thâm Quyến giữa năm 2022.

Một thợ xăm đang làm việc ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây năm 2015. Ảnh: VCG

Một thợ xăm đang làm việc ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây năm 2015. Ảnh: VCG

Một trong những địa điểm cô ghé qua là August Tattoo Studio. Chủ cửa hàng tên August, cử nhân Đại học Nghệ thuật London (Anh) và Jeff, người chồng gốc Thâm Quyến.

Ngoại trừ Jeff, tất cả thợ xăm tại cửa hàng là phụ nữ trẻ. Họ đều có lý lịch rõ ràng, tài chính vững, trái ngược với định kiến về thợ xăm nữ là người nhập cư, trình độ học vấn thấp, hay những thanh niên thành thị nổi loạn, đang tìm cách thoát khỏi những chuẩn mực truyền thống về tính nữ.

Một trong những nhân viên là KK, có công việc kế toán ổn định. Poppy, người yêu thích nghệ thuật xăm hình khi còn là sinh viên năm cuối, được gia đình hỗ trợ toàn bộ học phí để theo đuổi đam mê. Hay Zero, người xuất thân từ gia đình không giàu nhưng vẫn theo nghề dưới sự hỗ trợ tài chính của bạn trai.

Thực tế cho thấy kiếm sống bằng nghề xăm hình là không dễ dàng, đặc biệt với phụ nữ bởi ngành này thường đòi hỏi quá trình học nghề lâu dài, đắt đỏ.

Học viên phải trả mức phí 10.000-20.000 tệ (35-70 triệu đồng). Số tiền này không bao gồm chi phí mua sắm dụng cụ làm nghề, tiền ăn, ở và phương tiện đi lại. Để có thể ra làm nghề, học viên thường tốn 50.000 tệ (170 triệu đồng), cao hơn nhiều so với các công việc khác.

Học phí đắt đỏ nhưng thu nhập thấp khiến nhiều nữ thợ xăm không thể đủ sống bằng nghề. Ảnh minh họa: Sahan journal

Học phí đắt đỏ nhưng thu nhập thấp khiến nhiều nữ thợ xăm không thể đủ sống bằng nghề. Ảnh minh họa: Sahan journal

Học phí đắt nhưng thu nhập không cao bởi chế độ trả lương theo hoa hồng của cửa hàng (lấy lại 30-70% thu nhập) và chủ doanh nghiệp không cung cấp chế độ bảo hiểm hay các phúc lợi khác, khiến việc kiếm sống của thợ xăm càng trở nên khó khăn.

Như tại tiệm xăm của August, chỉ hai trong số 9 thợ xăm làm việc toàn thời gian. Những người còn lại phải làm thêm nghề khác để duy trì cuộc sống. Điều này khiến hầu hết các nghệ sĩ xăm hình mà Yang tiếp xúc đều phải có tài chính vững vàng trước khi vào nghề. Nhưng dù tài chính tốt, làm vì đam mê, nữ thợ xăm vẫn không thoát khỏi chỉ trích vì lệch khỏi chuẩn xã hội.

Với August, cô tham gia ngành xăm khoảng nửa năm sau khi tốt nghiệp và liên tục vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. Nhưng kể từ lúc cô lập gia đình và sinh con, mọi người không còn quan tâm đến nghề nghiệp của August. Việc sẵn sàng đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ dường như khiến công việc "không phù hợp" của August dần được gia đình chấp nhận.

Còn với gia đình Poppy, dù hỗ trợ tài chính nhưng bố cô vẫn nói không tán thành việc con gái theo đuổi xăm hình như một nghề chính. Cuối cùng, ông đã yêu cầu con gái phải tìm công việc tốt hơn hoặc theo đuổi bằng cử nhân ở Canada. Và Poppy đã chọn phương án hai.

"Tôi biết không thể kiếm sống bằng nghề này ở Trung Quốc. Nhưng nếu sang Canada, tôi có thể hành nghề xăm hình", cô nói.

Trên thực tế, xăm hình vẫn là một trong những điều "nhạy cảm" ở một số nước Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam. Ở Hàn Quốc, các chương trình truyền hình luôn hạn chế việc để những hình xăm xuất hiện, vì thế phần lớn các nghệ sĩ, nếu yêu thích nghệ thuật xăm mình, thường chọn xăm ở nơi mà bằng mắt thường ít người thấy được. Ngược lại, nếu những hình xăm xuất hiện trước ống kính, các đài truyền hình chính thống sẽ che chúng bằng một miếng băng dán trên cổ, trên tay, hoặc làm mờ chúng.

Thực tế, luôn tồn tại một ranh giới không rõ ràng giữa luật lệ và phạm pháp trong việc xăm mình, tại Hàn Quốc. Tòa án tối cao năm 1992 đã đưa ra phán quyết rằng các hình xăm là "một thủ tục y tế", thậm chí xử lý hình sự một cách triệt để nhiều cửa hàng xăm mình hoạt động không có giấy phép y khoa, bất chấp sự yêu thích ngày một gia tăng loại hình nghệ thuật này trong giới trẻ.

Hàng năm, hàng loạt vụ xử lý các tiệm xăm được thực hiện, nhưng vẫn có khoảng 20.000 thợ xăm "làm chui" thay vì có chứng chỉ hành nghề.

(Theo Sixth Tone)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm