Trả lời:
Thở hụt hơi khi leo cầu thang là một trong những dấu hiệu dễ bị bỏ qua, song lại có thể cảnh báo bệnh lý liên quan đến tim hoặc phổi. Tình trạng này thường xuất hiện khi cơ thể phải gắng sức như đi bộ nhanh, mang vác nặng khiến nhu cầu oxy tăng cao. Nếu hệ hô hấp hoặc tuần hoàn gặp vấn đề có thể gây khó thở, hụt hơi, thậm chí đau ngực, chóng mặt.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hụt hơi là các bệnh lý về phổi. Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người hút thuốc lá lâu năm hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, khiến đường thở bị hẹp, cản trở luồng khí ra vào phổi. Người bệnh dễ cảm thấy nặng ngực, mệt khi vận động nhẹ. Hen suyễn ở người lớn tuổi hoặc có tiền sử dị ứng cũng có thể khiến người bệnh thở rít, hụt hơi theo từng cơn.
Xơ phổi, viêm phổi mạn tính hoặc giãn phế quản cũng ảnh hưởng đến khả năng trao đổi khí, khiến cơ thể thiếu oxy. Một số người bị viêm phổi cấp không được phát hiện kịp thời, vi khuẩn lan rộng, gây tổn thương phổi và làm suy hô hấp cấp. Đây một trong những nguyên nhân dẫn đến chóng mặt, choáng váng, mất ý thức.
Các vấn đề về tim mạch như suy tim, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim dễ khiến tim không bơm đủ máu đến nuôi cơ thể dẫn đến mệt mỏi, hụt hơi khi vận động. Một trái tim khỏe sẽ điều hòa máu đến phổi, ngược lại nếu quá trình này bị gián đoạn, cơ thể dễ rơi vào trạng thái thiếu oxy.
Ngoài các bệnh lý, thở hụt hơi cũng có thể gặp ở người béo phì, ít vận động hoặc người đang bị thiếu máu, lo âu, stress kéo dài. Tuy nhiên, nếu tình trạng xảy ra thường xuyên, không cải thiện hoặc kèm theo các triệu chứng như ho kéo dài, đau ngực, thở khò khè, tím môi, phù chân, bạn đi khám để được kiểm tra chức năng hô hấp, tim mạch.
Bác sĩ có thể chỉ định đo chức năng hô hấp, chụp X-quang hoặc CT ngực, đo điện tim, xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Phát hiện sớm bệnh lý tim, phổi giúp điều trị hiệu quả, phòng ngừa biến chứng, cải thiện chất lượng sống.
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |