Trong tháng 4, CTCP Chứng khoán Sài Gòn thực hiện đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phần chào bán tương ứng là 325,2 triệu cổ phiếu.
Kết quả, số lượng cổ phần được nhà đầu tư đặt mua gần 294,4 triệu cổ phiếu, tương đương 90,5% khối lượng chào bán.
Với gần 30,9 triệu cổ phiếu còn dư tương đương tỷ lệ 9,5%, Chứng khoán SHS lên kế hoạch phân phối cho 22 cá nhân với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và bị cấm giao dịch chuyển nhượng trong thời gian 1 năm.
Trong danh sách được công bố, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Chứng khoán SHS được mua nhiều nhất với 6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,922% số cổ phiếu đang lưu hành của SHS.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5, SHS ghi nhận mức tăng 100 đồng/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy với việc chỉ phải mua cổ phiếu SHS với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thiếu gia nhà bầu Hiển cùng các cá nhân được phân phối quyền mua lượng cổ phiếu phát hành thêm còn dư tiết kiệm được hơn 33% số tiền phải bỏ ra so với việc phải mua khớp lệnh trên sàn.
Ông Đỗ Quang Vinh được mua 6 triệu cổ phiếu SHS với giá rẻ hơn thị trường 33%
Ông Đỗ Quang Vinh sẽ phải chi ra số tiền 72 tỷ đồng để hoàn thành giao dịch đầu tư của mình. Tuy nhiên, ngay sau giao dịch, khối tài sản của thiếu gia nhà bầu Hiển sở hữu tại doanh nghiệp mình làm Chủ tịch có thể tăng lên 108 tỷ đồng (tính theo thị giá phiên giao dịch ngày 30/5), tương đương mức tăng 50% so với số tiền ông Vinh bỏ ra ban đầu để sở hữu 6 triệu cổ phiếu SHS được phân phối.
Ngoài chức Chủ tịch Hội đồng quản trị chứng khoán SHS, ông Đỗ Quang Vinh cũng đang là Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Số Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên SHB Finance.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 31/5, chuyên gia của CTCK MB (MBS) cho rằng chỉ số VN-Index đang hồi lại các ngưỡng cản kỹ thuật trong chuỗi giảm kể từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. Do vậy, áp lực chốt lời sẽ mạnh lên, thị trường sẽ chứng kiến thanh khoản tăng trở lại.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.295 – 1.300 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.305 – 1.310 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách vùng kháng cự gần nhất là 1.315 – 1.328 điểm, đây là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 09/05/2022. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa vượt được vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm trong những phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng mạnh cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để mua mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
CTCK Đông Á (DAG) nhận định VN-Index tiếp tục nhịp phục hồi từ mức giá đã chiết khấu khá sâu trước đó, với thanh khoản ổn định, đồng thời chỉ số cũng không tăng quá nóng nên không chịu áp lực chốt lời đáng kể trong quá trình đi lên. Kỳ vọng VN-Index sẽ vượt 1.300 điểm trong những phiên tới.
Nhà đầu tư tiếp tục giao dịch theo xu hướng tăng của thị trường, các nhóm ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu và cổ phiếu bất động sản thích hợp cho nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, bên cạnh đó các cổ phiếu ngân hàng, xây dựng hạ tầng và cổ phiếu khu công nghiệp có thể xem xét cho danh mục đầu tư trung dài hạn.