Doanh nghiệp

Thị trường logistics thời Trump 2.0: Doanh nghiệp Việt cần thận trọng

Thị trường xuất khẩu hàng đầu

Theo Báo cáo tình hình thị trường logistics Hoa Kỳ và các lưu ý đối với Việt Nam của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2024.

Tuy nhiên, triển vọng về thị trường Hoa Kỳ cũng chưa rõ nét, đặc biệt là khi chính quyền mới của Tổng thống thứ 47 có thể thay đổi nhiều chính sách thương mại của nước này.

S&P Global Market Intelligence ước tính các lô hàng vận chuyển bằng container đến Hoa Kỳ sẽ chỉ tăng 3,8% trong quý IV/2024, sau đó tiếp tục tăng 4,1% trong quý I/2025. Dự báo này dựa trên phân tích các chỉ số kinh tế và năng lực hấp thụ của nền kinh tế, với điều kiện không có các biến động bất lợi lớn như thảm họa tự nhiên hay dịch bệnh.

Trong bối cảnh chính sách thuế quan “trả đũa” để hạn chế thâm hụt thương mại, được khởi xướng dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và phần lớn được duy trì bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, đã áp đặt mức thuế quan đáng kể đối với hàng nhập khẩu.

Thị trường logistics thời Trump 2.0: Doanh nghiệp Việt cần thận trọng- Ảnh 1.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2024.

Báo cáo đánh giá năm 2024 của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Biden về thuế quan đối với Trung Quốc vẫn giữ nguyên các mức thuế hiện tại, trong khi tăng thêm 3,6 tỷ USD tiền thuế đối với các mặt hàng mục tiêu.

Việc điều chỉnh thuế và TRQ đối với thép và nhôm từ EU, Vương quốc Anh và Nhật Bản giúp giảm chi phí cho một số doanh nghiệp nhưng vẫn tiếp tục tác động đến giá thương mại nói chung. Thuế quan của Hoa Kỳ làm tăng chi phí hàng nhập khẩu và khiến mức giá mà người tiêu dùng phải trả cao hơn.

Ví dụ khi áp tăng thuế quan đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada và Mexico, giá tiêu dùng sẽ cao hơn đáng kể trong 12-18 tháng đầu tiên áp dụng thuế quan. Điều này dẫn đến sự thay đổi giá một lần, thay vì tác động dần đến lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát cao hơn có thể sẽ trì hoãn hoặc thậm chí có thể đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed). S&P Global Ratings vào giữa tháng 12/2024 dự báo lãi suất sẽ đạt 3,5-3,75% vào cuối năm 2025 (so với 3-3,25% trong triển vọng trước đó).

Theo kịch bản sửa đổi này, lãi suất trung lập giả định là 3,1% sẽ không đạt được cho đến quý IV/2026, thay vì quý IV/2025 như dự kiến trước đó.

Cẩn trọng trong giao dịch điện tử

Theo khuyến nghị của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trước khi thực hiện các hoạt động xuất khẩu đến Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm tra tư cách pháp nhân, tình hình tài chính và uy tín của đối tác.

Thị trường logistics thời Trump 2.0: Doanh nghiệp Việt cần thận trọng- Ảnh 2.

Doanh nghiệp cần thận trọng trong giao dịch điện tử khi làm việc với thị trường Hoa Kỳ (Ảnh: Phạm Tùng).

Có thể liên hệ với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỗ trợ xác minh; trong hợp đồng cần quy định rõ điều khoản giải quyết tranh chấp. Quy định rõ ràng phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, ưu tiên lựa chọn trọng tài thương mại quốc tế hoặc tòa án có thẩm quyền.

Khi gặp khó khăn hoặc nghi ngờ về đối tác, doanh nghiệp cần liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và cơ quan đại diện thương mại; cùng đó, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, thuê luật sư am hiểu luật quốc tế.

Doanh nghiệp cần thận trọng trong giao dịch điện tử, kiểm tra kỹ thông tin giao dịch. Khi nhận được yêu cầu thay đổi thông tin thanh toán hoặc liên lạc, cần xác minh lại qua các kênh chính thức để tránh bị lừa đảo và khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nên liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ hoặcTrung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Đồng thời khi giao dịch với các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp khó khăn tài chính hoặc có nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng và áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro.

Trong đó, doanh nghiệp cần kiểm tra tình hình tài chính định kỳ để theo dõi sức khỏe tài chính của đối tác và phát hiện sớm các dấu hiệu khó khăn tài chính, sử dụng dịch vụ của các công ty đánh giá tín dụng.

Đặc biệt, sử dụng các điều khoản bảo lưu quyền sở hữu để đảm bảo quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về doanh nghiệp cho đến khi đối tác hoàn tất việc thanh toán. Điều này giúp doanh nghiệp có quyền lấy lại hàng hóa nếu đối tác không thể thanh toán, hoặc thanh toán trước một phần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm