Dự báo được ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB đưa ra mới đây. Trước đó, ngân hàng Singapore nhận định vốn giải ngân FDI tại Việt Nam năm 2024 cao kỷ lục, ước tính đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 9,4% so với các năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp từ đầu năm đạt hơn 38 tỷ đồng. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục.
Theo ông Suan Teck Kin, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và chế biến, chi phí nhân công thấp. Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia cạnh tranh với nhau về thu hút vốn FDI tuy nhiên không cạnh tranh trực tiếp trong cùng một lĩnh vực, ngành hàng, ví dụ Indonesia có lợi thế về khai khoáng và tài nguyên thiên nhiên.
Những yếu tố này giúp nước ta tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là liệu Việt Nam sẽ duy trì được những lợi thế này trong bao lâu và cần cải thiện những điều gì?
Từ góc nhìn là chuyên gia kinh tế, ông Suan Teck Kin cho rằng Việt Nam cần có kế hoạch toàn diện để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Trong đó, chính phủ đầu tư hạ tầng, số hóa, đảm bảo cơ sở hạ tầng như có điện tốt, nước sạch, y tế, giáo dục, quan trọng... Các giải pháp này giúp đảm bảo nguồn nhân lực khỏe, tăng ô nhiễm, từ đó giúp tăng năng suất và tính cạnh tranh lâu dài.
Cùng quan điểm ông Suan Teck Kin, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ của UOB Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần cải thiện một số vấn đề liên quan tới thủ tục, thể chế, kêu gọi đầu tư, để tiếp tục tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn FDI. Theo đó, dự án công ty sản xuất đồ chơi Lego Bình Dương, từ khi đăng ký tới giải ngân kéo dài chưa đầy 2 năm. Việc này giúp Việt Nam chứng minh được năng lực, mở rộng vốn đã được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, Giám đốc khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu cũng đưa ra những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2025, dựa trên các số liệu ghi nhận trong quý 4 năm 2024. Trong đó, GDP Việt Nam đạt 7,55%, cao hơn so với mức dự báo trung bình của thị trường là 6,7% và vượt mức dự báo của UOB là 5,2%. Ngành công nghiệp và dịch vụ là động lực chính khi đóng góp lần lượt 35% và 48% trong mức tăng trưởng 7,55% của quý 4 năm 2024.
Về hoạt động ngoại thương, xuất khẩu tăng liên tục trong 10 tháng và đến tháng 12 ghi nhận mức tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cả năm đạt 14%, đối lập với mức giảm 4,6% vào năm 2023. Nhập khẩu năm 2024 cũng tăng 16,1%, thặng dư thương mại khoảng 23,9 tỷ USD. Đây là năm thứ chín liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng năm. "Điều này hữu ích trong việc neo giữ giá cho đồng VND", chuyên gia UOB cho hay.
Nghiên cứu của ngân hàng Singapore cũng đánh giá sự gia tăng doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy đà tăng trưởng có khả năng tiếp tục trong vài quý tới.
Dựa trên những động lực từ 2024, kết hợp xem xét rủi ro và tác động ngược từ tình hình thế giới, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 7% (so với mức dự báo trước đây là 6,6%). UOB kỳ vọng những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2025.
Chuyên gia cũng nêu ra ba cơ hội của Việt Nam trong năm 2025. Một là, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa về thương mại, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm và một số đối tác như Mỹ, Trung Quốc. Nước ta cũng đã có chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), với tiềm năng ở các thị trường như châu Phi, Trung Đông, và một số quốc gia ASEAN. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, ông Suan Tek Kin cho rằng cần sự chung tay từ nhiều phía, như hiệp đoàn, ngân hàng trong đó có UOB.
Hai là, Việt Nam vẫn còn khả năng giảm thiểu tác động của biến động kinh tế bằng cách tăng đầu tư công đóng góp cho phát triển GDP. Lý do, Việt Nam có độ mở thương mại lớn thứ hai trong khối ASEAN. Khi nhu cầu xuất nhập khẩu tăng, Việt Nam hưởng lợi nhưng cũng chịu rủi ro khá nhiều khi nhu cầu bên ngoài chậm lại. Vì vậy chính phủ phải tìm cách, giải pháp giảm thiểu, trong đó đầu tư công là một biện pháp.
Cuối cùng là chính sách tài khóa. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công của Việt Nam giảm về còn khoảng 31% trên GDP vào năm 2029. Theo ông Suan Teck Kin, nợ công của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi (với tỷ lệ có thể lên tới 97%). Như vậy, Việt Nam có dư địa để Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.