Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (5/7): Lực bán mạnh xuất hiện cuối phiên, VN-Index giảm hơn 14 điểm

Đóng cửa, VN-Index giảm 14,24 điểm (1,19%) còn 1.181,29 điểm, HNX-Index giảm 3,25 điểm (1,16%) xuống 277,94 điểm, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (0,81%) về 87,19 điểm.

  Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên ngày 5/7. (Nguồn: VNDirect). 

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 15.909 tỷ đồng, tăng gần 39% với phiên trước. Trong đó, HOSE có khối lượng giao dịch 612 triệu đơn vị, tương đương 13.807 tỷ đồng.

Giằng co phần lớn thời gian trong phiên nhưng đến nửa cuối phiên chiều, thị trường trở nên tiêu cực. Điển hình trên HOSE khi số mã giảm là 347 mã so với 120 mã tăng. Tương tự, sắc đỏ cũng phủ bóng trên HNX và thị trường UPCoM với số mã giảm áp đảo.

Dòng ngân hàng trở thành điểm sáng khi là nhóm duy nhất giữ được sắc xanh đến cuối phiên. Trong đó, loạt cổ phiếu giao dịch khởi sắc có thể kể đến như TCB tăng 3,9% lên 37.750 đồng/cp, BID (+3,6%), MBB (+3,5%), STB (+3,1%), CTG (+1,5%),...

Chiều ngược lại thì lực bán tăng nhanh tại các nhóm dầu khí, chứng khoán, hóa chất, bất động sản, bán lẻ, thủy sản khiến nhiều mã giảm kịch sản, đơn cứ như ANV, CSV, DPG, FRT, VHC, VOS, DPM, ...

Liên quan đến giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, khối này nâng giá trị bán ròng lên gần 290 tỷ đồng phiên VN-Index giảm về sát mốc 1.180 điểm. Trong đó, áp lực rút vốn tập trung ở các bluechip như VHM, VCB, MSN, BID, NVL,...

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 4,86 điểm (0,41%) còn 1.190,67 điểm, VN30-Index tăng 1,34 điểm (0,11%) lên 1.249,71 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng vọt trong nhịp bán gần và sau 14h. Nhóm vốn hóa lớn hiện vẫn đang khỏe hơn VN-Index với VN30-Index đã nhích lên khỏi vùng tham chiếu.

 Thanh khoản sàn HOSE tính đến 14h00. (Nguồn: VNDirect).

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 4,5 điểm (0,38%) còn 1.191,03 điểm, HNX-Index giảm 2,04 điểm (0,73%) về 279,15 điểm, UPCoM-Index giảm 1,02 điểm (1,16%) xuống 86,88 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 5/7. (Nguồn: VNDirect).

Lực bán dâng cao vào cuối phiên chủ yếu vào các mã vốn hóa lớn như PNJ, GAS, MWG, MSN. Dù vậy loạt bluechip nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò gồng đỡ như BID, TCB, MBB, CTG, STB, VPB, ACB, HDB,...

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu dầu khí gây áp lực giảm điểm lớn nhất lên chỉ số với mức đóng góp giảm gần 2 điểm, kế đó là nhóm bán lẻ, bất động sản, chứng khoán cùng các dòng cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua như cảng biển, phân bón.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 340 mã giảm, 98 mã tăng và 59 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường có phần cải thiện hơn về cuối phiên khi chỉ số chạm xuống cùng 1.185 điểm. Cụ thể, giá trị giao dịch sàn HOSE đạt 5.886 tỷ đồng, tăng gần 27% so với phiên trước.

Tính đến 11h00, VN-Index giảm 8,23 điểm (0,69%) còn 1.187,3 điểm, VN30-Index giảm 4,52 điểm (0,36%) xuống 1.243,85 điểm.

Áp lực bán đổ bộ sau 10h khiến VN-Index đánh mất vùng điểm 1.195 điểm. Theo quan sát, ngoại trừ dòng ngân hàng còn giữ được sắc xanh, diễn biến điều chỉnh đang khiến các nhóm ngành còn lại đồng loạt giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu.

Các nhóm tăng mạnh thời gian trước gồm điện, thủy sản, cảng biển, bán lẻ đã xuất hiện các nhịp bán mạnh và dòng tiền đang có sự dịch chuyển tiếp tục sang nhóm trụ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản những ngày gần đây đang thu hút dòng tiền trở lại nhờ vào kỳ vọng nới room tín dụng đi kèm các hoạt động huy động trái phiếu trở lại.

Tuy nhiên, sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là khá rõ khi áp lực giảm điểm hôm qua đến từ nhóm này là chính dù một số mã vẫn có diễn biến khởi sắc.

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 1,57 điểm (0,13%) lên 1.197,1 điểm, HNX-Index giảm 1,36 điểm (0,48%) về 279,83 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (0,14%) xuống 87,78 điểm.

Thị trường chứng khoán mở cửa tăng nhẹ sau đó diễn biến phân hóa tiếp tục làm khó đà đi lên của chỉ số. Tại nhóm vốn hóa lớn sắc xanh đang chiếm ưu thế với 16 mã tăng/9 mã giảm, tuy nhiên nhiều cổ phiếu chỉ tăng trên dưới 1% nên VN30-Index cũng chỉ nhích nhẹ trên tham chiếu.

Theo quan sát, ngân hàng và dầu khí tiếp tục là nhóm giữ nhịp chỉ số chính trong khi dòng tiền tiếp tục rút ra ở nhóm midcap và penny. Tính đến hiện tại, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp nên khó có sự lan tỏa ở các nhóm ngành.

Tại thị trường quốc tế, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bước vào quý III với nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái. Vì vậy, báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu (8/7) tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bình thường trong việc xác định khả năng suy thoái cũng như tác động tới chính sách tiền tệ của Fed.
 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm