Chia cổ tức bằng cổ phiếu là một hình thức phổ biến trên sàn chứng khoán và sau mỗi đợt chi trả lại có thêm một lượng lớn cổ phiếu được bơm ra thị trường. Theo ước tính trong tháng 7 này, thị trường có thể sẽ đón thêm hơn 1,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch.
Đáng chú ý nhất là 1,34 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sẽ được chuyển giao cho cổ đông vào ngày 20/7. Đây là lượng cổ phiếu do doanh nghiệp đầu ngành thép phát hành để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30%. Khi lượng cổ phiếu trên được giao dịch, tổng lượng lưu hành của Hòa Phát sẽ tăng lên mức 5,8 tỷ đơn vị, lớn nhất sàn chứng khoán.
Trước đó vào ngày 20/6, Hòa Phát đã chốt danh sách đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ phiếu tỷ lệ 30% từ Hòa Phát. Với cổ tức tiền mặt, khoảng 2.235 tỷ đồng sẽ về tài khoản nhà đầu tư vào 6/7 tới đây.
Một doanh nghiệp thép khác là Tôn Nam Kim (mã NKG) cũng chuẩn bị đón thêm 43,9 triệu cổ phiếu được giao dịch từ ngày 13/7. Đây là lượng cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 20%. Ngoài ra, Tôn Nam Kim còn sẽ chi khoảng 219 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền. Dự kiến, tiền sẽ về tài khoản nhà đầu tư vào ngày 5/7 tới đây.
Cổ đông của Hóa chất Đức Giang (mã DGC) cũng sắp được nhận chuyển giao hơn 200 triệu cổ phiếu từ ngày 8/7 tới đây. Đây là số cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ lên đến 117%. Vốn điều lệ sau phát hành của doanh nghiệp đầu ngành hóa chất đã tăng hơn gấp đôi lên mức 3.711 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, trong năm nay, Hóa chất Đức Giang còn dự kiến phát hành hơn 8,5 cổ phiếu ESOP, chiếm 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền thu được từ đợt phát hành dùng để bổ sung vốn lưu động. Lượng cổ phiếu ESOP này sẽ được chào bán cho cán bộ công nhân viên tập đoàn cùng các công ty con với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
FPT Retail (mã FRT) cũng chuẩn bị phân phối cho cổ đông 39,5 triệu cổ phiếu từ đợt chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 2:1. Số cổ phiếu này sẽ chính thức được giao dịch từ ngày 14/7. Trước đó vào ngày 22/6, FPT Retail đã chi 39,5 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông theo tỷ lệ 5%.
Tương tự, 25 triệu cổ phiếu May Sông Hồng (mã MSH) cũng sắp được chuyển đến tài khoản của cổ đông từ đợt chia cổ tức tỷ lệ 50%. Số cổ phiếu này sẽ được giao dịch vào ngày 13/7 tới đây. Sau phát hành, tổng lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này là 75 triệu đơn vị tương ứng vốn điều lệ 750 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có gần 5 triệu cổ phiếu Maritime Bank (mã MSB) được "mở khóa" và cổ đông có thể tự do giao dịch. Lượng cổ phiếu này chiếm 30% tổng số cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng từ đợt phát hành ESOP năm 2021. Thời gian giải tỏa dự kiến từ 13/7 – 20/7/2022. Số lượng cổ phiếu còn bị hạn chế giao dịch là hơn 13 triệu đơn vị.
Thực tế, cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư sẽ có tác động 2 chiều lên diễn biến giá trên thị trường. Một mặt, nguồn cung tiềm năng gia tăng mạnh có thể gây áp lực đáng kể lên cổ phiếu, đặc biệt với khối lượng lớn như của HPG hay DGC. Dù vậy, cần phải lưu ý rằng cổ phiếu về tài khoản không chắc sẽ được bơm ngay ra thị trường nhất là với những trường hợp nhà đầu tư đang bị "kẹp" do giá giảm sâu.
Mặt khác, lượng cổ phiếu về tài khoản sẽ làm gia tăng sức mua cho nhà đầu tư do có thêm tài sản đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thêm đòn bẩy để đỡ giá trong trường hợp cổ phiếu tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vay ký quỹ (margin) đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay.