Đóng cửa, VN-Index tăng 14,57 điểm (1,2%) lên 1.233,38 điểm, HNX-Index tăng 5,3 điểm (1,76%) lên 305,96 điểm, UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (0,55%) về 93,12 điểm.
Thị trường chứng khoán có nhịp rơi hơn 15 điểm trước 14h00, sau đó tiếp tục chìm trong vùng giá đỏ đến khi lực kéo trong phiên ATC bất ngờ giúp VN-Index lội ngược dòng tăng điểm. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ trước pha bear trap của thị trường.
Cú đảo chiều của VN-Index giúp nhiều mã đổi màu từ đỏ thành xanh trong vài phút cuối. Tại rổ VN30, phe Long thắng thế với số mã tăng điểm áp đảo. STB thậm chí tăng kịch trần lên 21.750 đồng/cp, theo sau là SSI tăng 6% sau phiên giảm sàn hôm trước, MSN tăng 4,3%, CTG (+4%), VNM (+3,9%),...
Ở chiều ngược lại, HPG vẫn là mã giảm mạnh nhất, dù vậy tỷ lệ mất giá đã thu hẹp còn 5%, thay vì có thời điểm chạm sàn ở mốc 34.200 đồng/cp. Ngoài cổ phiếu của ông lớn Hòa Phát, 3 mã còn lại trong rổ đóng cửa dưới ngưỡng làm chiều là KDH, PLX và SAB.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 8,55 điểm (0,7%) xuống 1.210,26 điểm, VN30-Index giảm 4,99 điểm (0,4%) về 1.250,36 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên chiều giao dịch kém sắc với lực bán mạnh từ nhóm midcap và penny. Cùng với đó, nhóm vốn hóa lớn cũng đảo chiều giảm mạnh với lực kéo chủ yếu đến từ HPG.
Thị giá cổ phiếu của Hòa Phát lao dốc mạnh, thậm chí có thời điểm nhúng sàn trong phiên chiều nay trong bối cảnh Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ khó khăn của ngành thép trong phiên họp đại hội đồng cổ đông sáng nay.
“Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,44 điểm (0,53%) lên 1.225,25 điểm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (0,22%) lên 301,32 điểm, UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (0,78%) về 92,9 điểm.
Thị trường nới rộng đà hồi phục về cuối phiên sáng nhờ nỗ lực của nhóm vốn hóa lớn. Theo quan sát, sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 17 mã xanh/12 mã đỏ. Trong đó các mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index có thể kể đến như MSN, VCB, VNM, GAS, CTG, VPB. Ở chiều ngược lại HPG là lực cản lớn nhất của thị trường, riêng mã này đã lấy đi gần 1 điểm của chỉ số chính.
Thanh khoản thị trường suy yếu so với phiên trước với giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 7.146,8 tỷ đồng, tương đương gần 297 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Trong đó giá trị giao dịch tại HOSE là 5.852 tỷ đồng, giảm 6,2% so với phiên sáng hôm qua.
Giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng khi họ quay lại mua ròng hơn 167 tỷ đồng trên HOSE phiên sáng nay. Trong đó, hoạt động giải ngân tập trung vào DPM (55 tỷ đồng), DCM (54 tỷ đồng), STB (53,6 tỷ đồng), DGC (45,2 tỷ đồng),...
Tính đến 10h30, VN-Index tăng 5,21 điểm (0,43%) lên 1.224,02 điểm, VN30-Index tăng 9,95 điểm (0,79%) đạt 1.265,3 điểm.
Thị trường biến động trong biên độ hẹp với áp lực bán chủ động vẫn lớn hơn mua chủ động. Theo quan sát, lực cung tập trung vào các cổ phiếu midcap như BSR, PVD, VCI, POW, ITA, HSG, VCG, PVT, HNG. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn cho thấy tín hiệu tích cực với sắc xanh trở lại.
Quan sát diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu của các nhà băng đang nỗ lực phục hồi, số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giảm trong phiên đang khá cân bằng. Nhà đầu tư nước ngoài mua bán thận trọng, giá trị mua và bán giảm mạnh so với các phiên trước, hiện mua ròng nhẹ 7 tỷ đồng sau khi bán 136 tỷ, mua 129 tỷ đồng.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 0,47 điểm (0,04%) còn 1.218,34 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,02%) còn 300,6 điểm, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (0,4%) về 93,26 điểm.
Thị trường chứng khoán mở cửa trong tâm lý khá bi quan với áp lực điều chỉnh đến từ nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên sau nhịp nhúng đỏ đầu phiên thì chỉ số đang dần cân bằng trở lại. Dòng tiền nhìn chung vẫn trong trạng thái thận trọng khi lực cầu bắt giá thấp vẫn chưa thực sự được kích hoạt.
Xu hướng phân hóa nhìn chung vẫn đang phủ bóng lên hầu hết các nhóm ngành. Theo quan sát, nhóm ngân hàng, dầu khí, sản xuất thực phẩm là bộ ba đóng góp tích cực cho xu hướng hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, áp lực bán từ nhóm bất động sản chưa hạ nhiệt khi đây vẫn là tác nhân gây giảm điểm chinh trên thị trường. Nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ như HDG (-2,3%), PDR (-2,3%), VRE (-1,6%), DIG (-1,6%), VPH (-1,3%),....
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 23/5 đồng loạt đi lên sau chuỗi nhiều tuần suy giảm liên tục. Dow Jones và S&P 500 cùng thêm gần 2%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 618 điểm, tương ứng 1,98%, và kết phiên ở 31.880 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,59% lên 11.535 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,86% và đóng cửa phiên đầu tuần ở gần 3.974 điểm. Thứ Sáu tuần trước, chỉ số đại diện thị trường này có lúc rơi vào vùng thị trường gấu khi thấp hơn 20% so với đỉnh lịch sử.