Tại nhiều điểm rừng thông cổ thụ bị bức tử, kẻ xấu đã trồng nhiều loại cây lâm nghiệp, thậm chí cây ăn quả lâu năm và ngắn ngày để thay thế như cà phê, keo lai, dứa, củ đậu. Ngoài ra, kẻ xấu còn dựng cả lán trại để chiếm đất, xâm hại rừng. Dưới đây là một số hình ảnh liên quan.
Nhiều cây thông bị xâm hại.
Sau khi đốn hạ thông, nhiều diện tích đất được dùng vào việc trồng tỉa.
Hiện trường vụ rừng thông bị triệt hạ.
Như Báo CAND đã phản ánh, nhiều khu rừng thông cổ thụ, đẹp như tranh vẽ, ở bên đường Hùng Vương nối dài của phố núi Khe Sanh, bị kẻ xấu đục, đẽo quanh gốc và bơm thuốc độc gây chết hàng loạt. Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Hướng Hóa, Đakrông nói rằng, khi phát hiện sự việc, đơn vị đã báo cáo chính quyền, đề nghị cơ quan chức năng liên quan phối hợp, xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, do việc phối hợp, xử lý không được dứt điểm nên tình trạng trên âm ỉ, kéo dài, trong khi đó BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; việc ngăn chặn, đẩy đuổi đối tượng xâm hại, lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng.
Rừng thông cổ thụ bị bức tử để lấn chiếm đất rừng chủ yếu hai bên đường Hùng Vương nối dài.
Qua trao đổi, ông Bùi Văn Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho hay, đúng là ngay sau khi phát hiện các vụ việc xâm hại rừng thông, lấn chiếm đất rừng do BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông quản lý, bảo vệ và chăm sóc, đơn vị này đều có báo cáo, đề nghị phối hợp xử lý.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo ngay cán bộ Kiểm lâm địa bàn phối hợp để kiểm tra, tham mưu UBND thị trấn Khe Sanh xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng này đâu đó vẫn còn có sự sơ hở, thiếu sót, khiến khó xử lý dứt điểm.