Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% tổng nguồn vốn. Trong đó, tỷ lệ nợ vay thuê tài chính cũng chiếm một tỷ lệ lớn.
Một trong những chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC tại thời điểm cuối năm 2021 là Ngân hàng TMCP Phương Đông. Theo đó, nhà băng này đang cho Tập đoàn FLC vay ngắn hạn hơn 573 tỷ đồng và 830 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Sau khi Chủ tịch FLC Group - ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán tối ngày 29/3, khả năng trả nợ của Tập đoàn FLC với các chủ nợ, trong đó có các ngân hàng nhận được sự quan tâm của dư luận và giới đầu tư.
Tại đại hội cổ đông 2022, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FLC và Bamboo Airways ở mức trên 5.000 tỷ đồng. Đến nay nhà băng này đã thu hồi được 2.600 tỷ.
Trong khi đó, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết thêm, khoản nợ của riêng FLC tại Sacombank chỉ có 3.200 tỷ trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong. Trong khi đó, dư nợ của Hãng hàng không Bamboo Airways tại nhà băng này sẽ còn lại khoảng hơn 1.800 tỷ đồng.
Ngân hàng OCB cũng rốt ráo thu hồi cả nghìn tỷ đồng nợ trước hạn từ Tập đoàn FLC của Chủ tịch Đặng Tất Thắng
Sau động thái thu hồi nợ sớm của Sacombank, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết nhà băng này cũng đang rốt ráo thu hồi nợ trước hạn với FLC.
Tại đại hội cổ đông năm 2022 được tổ chức sáng 23/4, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng đang cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Ở hai dự án này, số hàng đã bán và khách hàng đang chuẩn bị trả cho Tập đoàn FLC khoảng 2.400 tỉ đồng.
Trong khi đó, số tài sản thế chấp của FLC tại ngân hàng là trên 2.000 tỷ là các bất động sản đã có sổ cấp cho nhà đầu tư. Riêng đối với Bamboo Airway, hiện ngân hàng cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng nữa.
Giống như Sacombank, ngân hàng OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn với Tập đoàn FLC. Theo ông Tùng, dự kiến sau tháng này dư nợ của FLC đối với ngân hàng có thể giảm ngay 1.200 - 1.500 tỷ đồng.
Theo đánh giá của đại diện OCB, trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, thì FLC là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Hiện tại, các bên cũng phối hợp với Ngân hàng xử lý việc này. Quan điểm của Ban lãnh đạo ngân hàng là với những dự án đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để doanh nghiệp bán và thu tiền về.
Về kế hoạch kinh doanh, theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua trong năm 2022, OCB dự kiến tổng tài sản tăng 25% lên 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29%, đạt 7.110 tỷ; kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 1%.
OCB cũng triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng. Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…