Với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu không gian, con người đang dần vén lên những bí ẩn của vũ trụ, đặc biệt là về sự sống ngoài Trái đất. Một phát hiện mới đây từ các nhà khoa học Úc đã đưa chúng ta lại gần hơn với câu hỏi "Liệu sao Hỏa có từng là nơi có thể sống được hay không?".
Cụ thể, nhóm nhà khoa học thuộc Trường đại học Curtin và Đại học Adelaide (Úc) đã phân tích một hạt zircon 4,45 tỉ năm tuổi từ thiên thạch NWA7034, hay còn gọi là "Black Beauty", được phát hiện ở sa mạc Sahara vào năm 2011.
Kết quả cho thấy zircon - một loại khoáng chất được biết đến như "thẻ căn cước" của những dấu vết địa chất - đã lưu giữ những dấu hiệu hóa học cho thấy có sự hiện diện của các chất lỏng giàu nước. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy nước từng tồn tại trong quá trình hoạt động núi lửa ban đầu trên sao Hỏa.
Ông Aaron Cavosie - một thành viên của nhóm nghiên cứu, thuộc khoa khoa học địa chất và hành tinh học của Đại học Curtin - cho biết phát hiện này không chỉ là bước ngoặt trong việc tìm hiểu hệ thống thủy nhiệt cổ đại trên sao Hỏa, mà còn làm sáng tỏ khả năng hành tinh Đỏ có thể đã hỗ trợ sự sống trong quá khứ.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật phân tích địa hóa học nano để phát hiện bằng chứng nguyên tố về nước nóng trên sao Hỏa cách đây 4,45 tỉ năm".
Cũng theo ông Cavosie, hệ thống thủy nhiệt chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển sự sống trên Trái đất và giờ đây, những dấu vết này cho thấy sao Hỏa cũng từng có nước - một yếu tố quan trọng cho những môi trường có thể sinh sống được.
Dù bề mặt sao Hỏa hứng nhiều va chạm thiên thạch khiến lớp vỏ của nó bị xáo trộn, nhưng nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng đã có nước trên sao Hỏa trong giai đoạn tiền-Noachian (cách đây khoảng 4,1 tỉ năm), thời kỳ đầu trong quá trình hình thành vỏ hành tinh.