Doanh nghiệp

Thêm 1 chuỗi cà phê Việt “mang chuông đánh xứ người”: Sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ, tham vọng đạt ít nhất 100 chi nhánh ở Nepal, Sri Lanka, Bangladesh…

CTCP Teatime – đơn vị vận hành chuỗi cà phê Three O’Clock – được biết vừa ký kết hợp đồng nhượng quyền độc quyền với FranGlobal, chính thức “mang chuông đi đánh xứ người”.

Theo thỏa thuận, FranGlobal sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống nhượng quyền thứ cấp tại Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, với cam kết mở ít nhất 100 chi nhánh trong vòng 10 năm. Chi nhánh đầu tiên dự kiến khai trương tại Hyderabad, thành phố lớn phía Nam Ấn Độ, vào tháng 5/2025.

Trước Three O’Clock, rất nhiều thương hiệu cà phê Việt cũng “mang chuông đi đánh xứ người” như Trung Nguyên Legend, Cộng cà phê… Đáng nói, Three O’Clock là một trong những “tân binh” mới tại thị trường cà phê Việt Nam được dẫn dắt bởi một nữ TikToker 9X – Thuận Nguyễn.

Hiện, thương hiệu có khoảng 10 chi nhánh tại các khu vực trung tâm Tp.HCM. Dù mới ra mắt, song Three O’clock Coffee là thương hiệu quen mặt với giới trẻ ở Tp.HCM với đặc điểm mở 24 giờ. Ban ngày, quán là một địa điểm hẹn hò, trò chuyện, gặp mặt bạn bè nhưng ban đêm lại trở thành nơi lý tưởng cho những bạn trẻ "chạy deadline".

Thêm 1 chuỗi cà phê Việt “mang chuông đánh xứ người”: Sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ, tham vọng đạt ít nhất 100 chi nhánh ở Nepal, Sri Lanka, Bangladesh…- Ảnh 1.

Thực tế, nhượng quyền đang trở thành xu hướng phát triển thị trường quốc tế hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh ngành này có giá trị 2,92 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 4,38 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Với sự hợp tác cùng FranGlobal, Three O’Clock không chỉ mở rộng quy mô hoạt động mà còn khẳng định vị thế thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới.

Trước Three O’Clock, Nguyên Legend đã nhượng quyền và ra mắt thành công tại Mỹ. Vào tháng 7/2024, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tiếp tục mở thêm 2 quán nữa tại thành phố San Jose, bang California. Đây là hai không gian đầu tiên của mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend và là quán thứ tư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Mỹ.

Không chỉ cà phê, thương hiệu trà sữa Phúc Tea của CTCP Phúc Tea Franchise cũng đã nhượng quyền thành công 2 cửa hàng HappiTea (tên gọi quốc tế của Phúc Tea) tại Philippines. Trong khi thương hiệu Phở'S đang chuẩn bị những khâu cuối để đưa vào hoạt động cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Philippines.

Theo các doanh nghiệp, ẩm thực Việt được người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới ưa thích. Đó là điều kiện thuận lợi, cũng là cơ hội lớn để các chuỗi F&B Việt Nam "xuất ngoại". Hiện nay, một trong các yếu tố quan trọng để gia tăng tỉ lệ thành công cho các thương hiệu là tính bản địa.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á, cho biết thêm: “Doanh nghiệp F&B Việt Nam có nhiều cơ hội lẫn lợi thế để nhượng quyền ra nước ngoài nhưng hành trình hiện thực hóa các cơ hội này còn nhiều khó khăn. Muốn ra nước ngoài, doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn cầu, các hiểu biết thị trường, chuẩn bị về mô hình, con người… mang tính quốc tế. Đây là những thách thức và là điểm yếu của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam”.

Cũng theo bà Phi Vân, muốn có thêm nhiều đơn vị xuất khẩu mô hình và thương hiệu ra nước ngoài, phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước. Ngoài ra, cần có những tập đoàn lớn của Việt Nam hiểu được giá trị cao nhất của chuỗi giá trị là xuất khẩu mô hình và thương hiệu chứ không chỉ là xuất khẩu nguyên liệu/sản phẩm. Những đơn vị lớn này sẽ đi trước, dẫn dắt và tạo làn sóng để các thương hiệu nhỏ đi theo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm