Doanh nghiệp

Kỷ lục mới của Công ty nắm mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam: Giá cổ phiếu gấp 3 lần sau 3 tháng, giá trị vốn hoá tăng thêm 26.000 tỷ sau 1 năm

KSV:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Kỷ lục mới của Công ty nắm mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam: Giá cổ phiếu gấp 3 lần sau 3 tháng, giá trị vốn hoá tăng thêm 26.000 tỷ sau 1 năm- Ảnh 1.

Phiên giao dịch ngày 17/1, cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) tiếp tục tăng mạnh. Tính đến 13h30, cổ phiếu này đã tăng sát trần gần 10% đạt mức giá 156.000 đồng/cp. Đã có lúc KSV tăng trần trong phiên. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh chỉ ở mức hơn 80.000 đơn vị.

Đây cũng là mức giá kỷ lục mới của cổ phiếu KSV. Trong vòng một năm trở lại đây, thị giá mã này cũng đã gấp lên 5,6 lần. Trong vòng 3 tháng, giá cổ phiếu lên gấp 3 lần.

Với giá hiện tại, vốn hóa thị trường của công ty đạt mức 31.260 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng gần 26.000 tỷ đồng sau một năm. Lần đầu tiên công ty này cán mốc vốn hóa tỷ đô là vào phiên 26/12/2024.

Kỷ lục mới của Công ty nắm mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam: Giá cổ phiếu gấp 3 lần sau 3 tháng, giá trị vốn hoá tăng thêm 26.000 tỷ sau 1 năm- Ảnh 2.

Vimico là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, kim loại màu; khoáng sản quý hiếm; kim loại đen,… Vimico được biết đến là đơn vị dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.

Doanh nghiệp này hiện cũng đang sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao có trữ lượng lớn nhất cả nước.  Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.

Từ năm 2014, mỏ đất hiếm Đông Pao được giao cho CTCP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) - một thành viên do Vimico nắm quyền chi phối 56% cổ phần. Thời hạn khai thác 30 năm. Tuy nhiên, kể từ mỏ Đông Pao được cấp phép khai thác đến nay, Lavreco vẫn chưa có các hoạt động khai thác đáng kể, chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Vimico ghi nhận 9.615 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 788 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ 2023. Theo giải trình, lợi nhuận toàn tổng công ty tăng mạnh là do lợi nhuận của công ty mẹ tăng, đến từ việc giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là giá vàng.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Vimico đạt gần 10.000 tỷ đồng. Ngoài tài sản cố định thì chiếm chủ yếu là hàng tồn kho (gần 3.000 tỷ đồng), phải thu ngắn hạn của khách hàng (hơn 1.000 tỷ đồng). Doanh nghiệp có hơn 6.300 tỷ đồng nợ phải trả, gồm gần 3.500 tỷ đồng nợ vay tài chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm