Tháng trước, TSMC nói họ thiếu nhân lực lành nghề tại Mỹ nên buộc phải lùi thời gian vận hành nhà máy sản xuất ở Arizona sang 2025. Kể từ tháng 6, công ty đã thảo luận với chính phủ Mỹ về việc cấp thị thực E-2 cấp tốc cho khoảng 500 công nhân từ Đài Loan.
E-2 là thị thực không định cư, được gia hạn không giới hạn, miễn là nhà đầu tư mở doanh nghiệp tại Mỹ và vẫn duy trì hoạt động. TSMC đạt đủ các điều kiện nhưng đang vướng phải sự phản đối từ chính người Mỹ.
Liên đoàn Union Arizona Pipe Trades 469 (U.A Local 469), đại diện cho hơn 4.000 công nhân, thợ lành nghề và nhân sự kỹ thuật ở Mỹ, đã gửi đơn khiếu nại, kêu gọi các nhà lập pháp từ chối cấp thị thực này. Theo kiến nghị, TSMC đã "cố tình trình bày sai" về kỹ năng của lực lượng lao động Arizona, đồng thời việc cấp E-2 sẽ đặt nền móng cho lao động giá rẻ thay thế nhân công Mỹ.
Tranh chấp đánh dấu bước ngoặt mới trong việc Mỹ lôi kéo công ty nước ngoài xây dựng nhà máy chip tại đây. Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, dành riêng 50 tỷ USD để thúc đẩy việc sản xuất bán dẫn trong nước.
TSMC bắt đầu kế hoạch xây nhà máy trị giá 12 tỷ USD tại Arizona từ giữa 2020 và khởi công một năm sau đó. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2024, nhưng gần đây bị lùi sang 2025.
"Chúng tôi đang bước vào giai đoạn quan trọng của việc xử lý, lắp đặt thiết bị chuyên dụng và tiên tiến nhất", Chủ tịch TSMC Mark Liu nói hồi tháng 7. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp một số thách thức vì không có đủ số lượng nhân công lành nghề với chuyên môn chuyên sâu cần thiết để lắp đặt thiết bị bán dẫn".
Ông Liu sau đó cho biết công ty sẽ điều kỹ sư Đài Loan sang Mỹ. Tuy nhiên, U.A Local 469 phản đối: "Việc thay thế công nhân xây dựng của Arizona bằng người nước ngoài mâu thuẫn trực tiếp với mục đích Đạo luật CHIPS và Khoa học ban hành, đó là tạo việc làm cho công nhân Mỹ".
Theo TSMC, công nhân Đài Loan sang nhà máy Arizona không phải mối đe dọa hay chiếm công việc của người Mỹ. Họ chỉ ở đó để hỗ trợ quá trình xây dựng. "Họ sẽ ở Arizona trong khoảng thời gian giới hạn và không gây ảnh hưởng đến 12.000 công nhân làm việc tại đây, cũng như việc tuyển dụng sắp tới tại Mỹ", đại diện TSMC cho biết.
Trước khi có nhà máy ở Mỹ, phần lớn việc sản xuất của TSMC được thực hiện tại Tân Trúc (Đài Loan). Công ty hiện có một nhà máy tại Washington và trung tâm thiết kế ở Texas và California. Cơ sở ở Arizona là nhà máy thứ hai của hãng tại Mỹ. Theo Reuters, đến nay, tổng vốn đầu tư của công ty vào các dự án ở Mỹ lên tới 40 tỷ USD.
TSMC cũng có những căng thẳng khác với người bản địa. Theo American Prospect, hồi tháng 6, công trường nhà máy TSMC ở Arizona bị cho là "thường xuyên xảy ra thương tích và vi phạm an toàn lao động". Luke Kasper, đại diện một hiệp hội về bảo vệ quyền lợi công nhân Mỹ, nói. Trong khi đó, TSMC phủ nhận cáo buộc.
Vấn đề ở Arizona thậm chí cũng sôi sục ở Đài Loan. Ngày 24/7, kênh YouTube của Kevin Xu người Đài Loan với gần ba triệu người theo dõi đã đăng video nhận xét công nhân Arizona lười biếng. Trên nền tảng X ngày 10/8, Xu tiếp tục nói công nhân Mỹ không tập trung vào công việc, thường xuyên dùng điện thoại tại nơi làm việc - điều tối kỵ tại nhà máy bán dẫn. Ngoài ra, người này cũng cho rằng người lao động gia nhập TSMC tại Mỹ thực chất là để làm bàn đạp đầu quân cho Intel. TSMC không đưa ra bình luận.
Hiện chính phủ Mỹ chưa đưa ra quyết định liên quan đến yêu cầu thị thực từ TSMC. Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy ở Arizona vẫn đang tiếp tục.
(theo Business Insider)