Tài chính

Thế khó của Israel tại Dải Gaza

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại thủ đô Cairo - Ai Cập trong ngày 7-4 với sự tham dự của đại diện Hamas, Israel, Mỹ, Ai Cập và Qatar. 

Trước cuộc đàm phán, Hamas nhắc lại các yêu cầu được đưa ra hôm 14-3, gồm: ngừng bắn vĩnh viễn, rút lực lượng Israel khỏi Gaza, người sơ tán được trở về nhà và trao đổi tù nhân lấy các con tin Israel đang bị cầm giữ ở Dải Gaza.

6 tháng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, Israel hiện lâm vào thế khó với sự chia rẽ trong nước, sự cô lập gia tăng trên trường quốc tế và bất đồng với đồng minh thân cận nhất là Mỹ. 

Bên cạnh đó, Israel cũng không có kế hoạch khả thi nào về cách kết thúc xung đột hoặc kế hoạch hậu xung đột được chấp nhận rộng rãi bởi các bên trong bối cảnh đàm phán ngừng bắn vẫn bế tắc. Điều đáng lo là nguy cơ xung đột lan rộng ở khu vực vẫn còn đó.

Người Palestine tại một trại tạm cư ở TP Rafah thuộc Dải Gaza  hôm 6-4 Ảnh: REUTERS

Người Palestine tại một trại tạm cư ở TP Rafah thuộc Dải Gaza hôm 6-4 Ảnh: REUTERS

Theo AP, bất chấp chiến dịch quân sự mạnh mẽ của Israel, Hamas hiện vẫn đứng vững dù suy yếu đáng kể. Ngược lại, Dải Gaza đã bị đẩy vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khi hơn 80% dân số phải di tản và hơn 1 triệu người đang đứng trước bờ vực chết đói.

Tình hình này khiến Israel đối mặt sức ép từ nhiều phía, trong đó có các tổ chức quốc tế và một số đồng minh thân cận. Những lời kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí tới Israel đang gia tăng ở Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn phải chịu áp lực lớn từ các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức trong nước.

Các nhà bình luận cho rằng Israel không thể loại bỏ Hamas dù đã tuyên bố đánh bại nhóm này ở phía Bắc Gaza. Hamas được cho là vẫn sẽ tồn tại dù Israel có mở cuộc tấn công trên bộ vào TP Rafah ở miền Nam hay không. Phía Israel cũng không có cách khả thi nào để rút khỏi cuộc xung đột. Lựa chọn thực tế trước mắt là tiếp tục chiếm đóng Gaza vô thời hạn - điều mà hầu hết người Israel không muốn - hoặc rút khỏi đó. 

Nỗi lo căng thẳng khu vực leo thang

Israel ngày 7-4 đã tiến hành không kích miền Đông Lebanon, nhắm vào hạ tầng của nhóm vũ trang Hezbollah ở TP Baalbek. Theo Reuters, vụ không kích diễn ra sau khi Hezbollah tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Israel trên bầu trời Lebanon.

Hai bên đã tấn công lẫn nhau kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Mỹ và một số nước đã tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt đụng độ giữa Hezbollah và Israel nhưng Hezbollah tuyên bố sẽ chỉ làm thế nếu lệnh ngừng bắn được thực thi ở Dải Gaza.

Nỗi lo căng thẳng Trung Đông leo thang còn đến từ cuộc đối đầu giữa Israel và Iran sau khi khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công hôm 1-4. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết 7 cố vấn quân sự nước này thiệt mạng trong vụ tấn công, trong đó có 2 tướng của IRGC. Iran đã cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công trong lúc Tel Aviv không bình luận gì về vụ việc.

Đài CNN hôm 5-4 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng Iran có thể tấn công các mục tiêu của Israel hoặc Mỹ tại khu vực, sớm nhất là trong tuần này để trả đũa vụ tấn công. Cùng ngày, tướng Hossein Salami, Tư lệnh IRGC, cũng cảnh báo rằng Iran sẽ đáp trả mọi vụ tấn công nhằm vào mình.

Hoàng Phương


Cùng chuyên mục

Đọc thêm