Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2050, lượng rác thải toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 3,4 tỷ tấn/năm, tương đương mức tăng 70% so với lượng rác vào năm 2016. Sự gia tăng chất thải rắn đô thị toàn cầu sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các nước nghèo nhất. Những quốc gia thuộc nhóm này không có đủ nguồn lực để quản lý rác thải của họ một cách hợp lý.
Mặt khác, lượng khí thải nhà kính cũng sẽ tăng lên vì chúng có liên quan đến việc tạo ra chất thải toàn cầu. Như vậy, tình trạng này sẽ có tác động đáng kể đến các mục tiêu và cam kết giảm phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới.
Nguyên nhân chính của sự gia tăng trên là do tình hình phát triển kinh tế và thực trạng tăng trưởng dân số. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ tích cực giữa việc tạo ra rác thải và mức thu nhập. Sau đó, họ ước tính lượng rác thải bình quân đầu người phát sinh hàng ngày ở các nước thu nhập cao sẽ tăng 19% vào năm 2050. Đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, họ dự đoán con số này sẽ tăng gần 40% hoặc cao hơn. Các phát hiện cho thấy rằng việc tạo ra rác thải tăng với tốc độ nhanh hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp đang có mức thu nhập gia tăng.
(Ảnh: AP)
Thế giới tạo ra 0,74 kg rác thải bình quân đầu người mỗi ngày. Ở các nước thu nhập thấp, lượng rác thải phát sinh có thể tăng hơn 3 lần vào năm 2050. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi cận Sahara.
Rác thải thực phẩm và rác thải xanh chiếm hơn 50% tổng lượng rác thải ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ chất thải do bao bì đóng gói thấp hơn và tỷ lệ chất thải phi hữu cơ cao hơn.
Trên toàn cầu, 37% rác thải được xử lý tại một số bãi chôn lấp, chỉ 8% trong số đó là hợp vệ sinh và sử dụng hệ thống thu gom khí đốt; rác thải bị vứt bừa bãi công khai chiếm 33%; lượng rác tái chế và ủ làm phân bón chiếm 19%. Cuối cùng, 11% sử dụng hệ thống đốt rác hiện đại.
Liên hợp quốc đã công bố những ước tính mới cùng với cảnh báo về những tác hại kinh hoàng về y tế, kinh tế và môi trường mà lượng rác này gây ra.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng, dự báo tốc độ tăng rác thải nhanh nhất ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt. Nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.
Đây đều là những hành động làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng nguy cơ những chất hóa học độc hại xâm nhập vào đất, nguồn nước và không khí.
Những kết quả trên chỉ ra thế giới cần chuyển đổi khẩn cấp sang cách tiếp cận "không rác thải" trong khi cải thiện quy trình xử lý rác thải để tránh ô nhiễm nghiêm trọng, tránh thải khí gây hiệu ứng nhà kính và những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.