Trong những tháng gần đây, The Coffee House đã âm thầm đóng cửa các chi nhánh sau 6 năm hoạt động tại Cần Thơ. Chuỗi cà phê này bắt đầu thâm nhập thị trường Tây Đô từ năm 2018 với những cửa hàng ở các địa điểm đắc địa như đường Nguyễn Văn Cừ, 3 Tháng 2, Hoà Bình.
Đại diện truyền thông của The Coffee House giải thích: "Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo kinh doanh toàn hệ thống".
Không dừng lại ở Cần Thơ, từ nay đến hết tháng 8, The Coffee House cũng có kế hoạch đóng toàn bộ cửa hàng tại Đà Nẵng. Đây là hai thành phố trực thuộc trung ương, đều là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quan trọng của miền Tây Nam Bộ và miền Trung.
Tính đến 31/7/2024, The Coffee House còn 117 cửa hàng trên toàn quốc, giảm đáng kể so với con số khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023. Chuỗi cà phê này vẫn duy trì hoạt động tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
The Coffee House được thành lập năm 2014 bởi ông Nguyễn Hải Ninh, nhanh chóng trở thành điểm đến phổ biến nhờ không gian thiết kế độc đáo, phù hợp với nhu cầu học tập, làm việc của khách hàng. Hiện tại, chuỗi này được vận hành bởi CTCP Seedcom, công ty cũng sở hữu các thương hiệu như Juno, Hnoss, Haravan, Cầu Đất Farm, King Food và Scommerce.
Tuy nhiên, Seedcom đang gặp khó khăn về tài chính. Doanh thu năm 2022 đạt 1.673 tỷ đồng, nhưng công ty lỗ sau thuế gần 273 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 238 tỷ đồng năm 2021.
Tại một sự kiện về F&B diễn ra vào cuối năm ngoái ở Hà Nội, ông Ngô Nguyên Kha, CEO The Coffee House, từng chia sẻ về thách thức khi khách hàng ngồi lâu nhưng chỉ gọi một món đồ uống. Mặc dù đã áp dụng nhiều chiến lược như khuyến mãi giảm giá cho ly nước thứ hai hay tặng voucher cho khách ngồi quá hai giờ. Tuy nhiên có lẽ với con số trên những giải pháp này chưa cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, The Coffee House đang tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng đặt hàng riêng. Từ năm 2016, chuỗi này kiên định với triết lý không xuất hiện trên các nền tảng trung gian. Ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch Seedcom, từng cho biết việc hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn là "tự sát", chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng dài hạn sẽ khiến thương hiệu phụ thuộc và chịu nhiều bất lợi.
Chiến lược này giúp The Coffee House tránh mức phí cao 20-25% từ các nền tảng trung gian và giữ quyền kiểm soát dữ liệu khách hàng. Chuỗi cà phê đã triển khai nhiều ưu đãi độc quyền trên ứng dụng, với giá thành thường rẻ hơn so với các nền tảng khác. Họ cũng tận dụng Ahamove - đối tác cùng hệ sinh thái Seedcom - để đảm bảo giao hàng nhanh chóng.
Còn theo ông Kha, hiện nay giao dịch qua ứng dụng riêng chiếm tới 50% tổng giao dịch hằng ngày của cả chuỗi. Ứng dụng đã đạt 1,8 triệu lượt tải về và nhận được đánh giá tích cực từ người dùng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, The Coffee House đang nỗ lực cân bằng giữa việc duy trì không gian làm việc thoải mái cho khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Việc rút lui khỏi Cần Thơ và Đà Nẵng là một phần trong chiến lược này, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của chuỗi trong thời gian tới.