Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024, thu ngân sách nhà nước hơn 1,7 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Một số khoản thu lớn vượt năm 2023, như: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 109%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 119%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) gần 116%.
Một trong những nguồn thu tăng trưởng mạnh năm 2024 đến từ thu thuế thương mại điện tử, với con số 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Số thuế các nhà cung cấp nước ngoài nộp năm 2024 gần 8.700 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh việc đẩy mạnh nguồn thu, cơ quan thuế cũng quyết liệt đôn đốc, thu hồi nợ đọng. Năm 2024, cơ quan thuế thu hồi nợ hơn 61.000 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ngành thuế triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu hồi được gần 4.300 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng, thu ngân sách đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng trong năm 2024 là tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong nước. Ông Việt bày tỏ sự ấn tượng với tỷ trọng đóng góp nguồn thu NSNN từ các loại thuế đều tăng lên tích cực. Trong đó, đáng chú ý là nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo TS Việt, 3 năm liên tiếp, nhà nước thực hiện chính sách giảm thuế VAT mỗi năm 2%, nhưng tỷ trọng đóng góp thuế VAT trong tổng thu NSNN những năm qua không giảm mà còn tăng lên, nhất là năm 2024. Điều này cho thấy, tiêu dùng trong nước đã khôi phục, đến từ nhiều yếu tố như: chính sách hoãn, giãn, miễn giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, “khoan thư sức dân” đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, nguồn thu bền vững liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên rất đáng kể. Ngoài ra, khoản thu từ kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên môi trường và nguồn thu từ đất… đóng góp tỷ trọng lớn.
Dù thu NSNN đạt kỷ lục nhưng tỷ lệ chi ngân sách vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập. Trong đó, tỷ lệ chi thường xuyên ở mức cao. Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác Thuế năm 2024 gần đây, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay tỷ lệ chi thường xuyên chiếm 70% chi ngân sách, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh - quốc phòng.
TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất giải pháp để có nguồn thu bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu NSNN. Đầu tiên, cơ quan chức năng phải chuyển toàn bộ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức, giúp ngành thuế đảm bảo việc thu công bằng, thu đúng, thu đủ, mở rộng diện thu thuế; đồng thời, cần phải đảm bảo nguyên tắc vừa đảm bảo thu, vừa phát huy được sức dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm gánh nặng thuế TNCN, hài hoà giữa mở rộng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ để người lao động có tích luỹ. Trên cơ sở tích luỹ đó, người lao động đầu tư lại cho tương lai, đầu tư vào tài sản, tạo nguồn thu bền vững từ thuế tài sản, hoặc thuế thu nhập cá nhân.