Từ kỹ sư IT, hướng dẫn viên du lịch đến… nuôi ốc
Hơn 3 năm kể từ khi mạnh dạn về quê "khởi nghiệp", hiện anh Việt đang sở hữu trại ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi) sinh sản lớn nhất Quảng Nam với 20 ao (khoảng 3000 m2), cùng 2 trại nuôi thương phẩm tại Đà Nẵng với 18 ao bạt (khoảng 2000m2) và 3 hồ tự nhiên (khoảng 4000m2).
Hào hứng dẫn chúng tôi đi tham quan trại ốc tại thôn 2, xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Việt chia sẻ, bản thân sinh ra trong gia đình thuần nông nên từ nhỏ anh đã có "máu" chăn nuôi.
Rời phố về quê nuôi ốc, chàng hướng dẫn viên Cao Hữu Việt "bỏ túi" mỗi tháng hơn 30 triệu đồng
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, anh nhận được lời mời "đầu quân" cho 1 công ty nước ngoài với mức lương khá cao. Tuy nhiên, với mong muốn trau dồi thêm kiến thức, năm 2016, anh Việt quyết định đi Nhật Bản du học.
2 năm sau, trở về nước, nhận thấy thị trường du lịch Đà Nẵng đang phát triển mạnh nên anh đã đổi hướng sang làm hướng dẫn viên cho du khách Nhật.
"Thu nhập từ nghề hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật thời điểm đó khá cao, mỗi tháng tôi kiếm được gần 30 triệu đồng", Việt nhớ lại.
Hiện, anh Việt là người đang sở hữu diện tích nuôi ốc bươu đen lớn nhất miền trung.
Thị trường tiêu thụ ốc thịt và ốc giống của anh Việt ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Bắc Giang,...
Thế nhưng, cuối năm 2019, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến ngành du lịch khốn đốn. Thất nghiệp, vợ lại vừa sinh con nhỏ khiến cuộc sống của gia đình rơi vào khó khăn.
Trong lúc đang tiến thoái lưỡng nan, Việt chợt nhớ lại một lần dẫn khách tham quan Hội An, anh tình cờ được ăn món ốc bươu đen và thấy rất ngon, mọi người trong đoàn ai cũng thích. Nhưng khi hỏi ra mới biết loài đặc sản đồng quê này rất khó mua vì ở miền trung ít người nuôi… Và rồi, ý tưởng khởi nghiệp đã nảy sinh từ đây.
"Thất nghiệp chứ không được thất bại!"
Thế nhưng, từ một kỹ sư IT, hướng dẫn viên du lịch, giờ lại về quê "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", Việt vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. Nhưng sau nhiều lần khuyên can bất thành và thấy sự quyết tâm khởi nghiệp của anh thì mọi người cũng đành "phó mặc".
Với số vốn vỏn vẹn 40 triệu đồng, Việt mượn đất trong vườn nhà của cha mẹ để làm 8 ao lót bạt, mỗi hồ khoảng 8m. Đầu tiên, anh mua 4 kg trứng ốc giống ở Đồng Nai mang về ấp thủ công nhưng tỷ lệ nở chỉ đạt 50%.
Do là "tay ngang" chưa có kinh nghiệm nên lứa ốc thịt đầu tiên đã chết sạch, khiến anh trắng tay. Không bỏ cuộc, Việt lấy lại tinh thần và "huy động vốn" của cha mẹ để tiếp tục nuôi, nhưng rồi lần 2, lần 3 cũng đều lỗ vốn.
Anh Việt chọn cách nuôi ốc trong bể lót bạt để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của ốc nuôi
Quy mô bể bạt thường nhỏ nên dễ kiểm soát chất lượng môi trường nước, lượng thức ăn. Đồng thời, các loại vi khuẩn có hại từ đất cũng sẽ không tác động đến sự sinh trưởng của ốc
Khó khăn chồng chất, cùng lời "bàn ra tán vào" của người thân, nhưng không nản chí, Việt dành nhiều thời gian hơn để mày mò tìm hiểu thêm về tập tính của ốc và kỹ thuật nuôi. Dần dần, tỷ lệ chết, hao hụt vì bệnh được cải thiện, ốc ngày càng phát triển và sinh trưởng tốt…
Theo anh Việt, nuôi ốc bươu đen "vốn ít nhưng lời nhiều", bởi thức ăn của loài này khá đa dạng, rẻ và có sẵn ở tự nhiên như mướp, xơ mít, lá môn, lá đu đủ… Đặc biệt, việc đầu tư con giống chỉ lần đầu, còn những lần sau ốc tự sinh sản tại chỗ. Ốc cũng có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Tuy nhiên, người nuôi phải phòng bệnh đường ruột và sưng vòi cho ốc. Phát hiện bệnh kịp thời sẽ hạn chế được tình trạng ốc chết hàng loạt.
Ngoài ra, người nuôi phải có mắt "nhìn nước" để kiểm soát được nồng độ pH, không để nguồn nước bị ô nhiễm. Loài này cũng chịu nóng kém, do đó phải thả thêm bèo vào ao để làm mát.
Từ 8 ao nuôi ban đầu, đến nay Việt đã nhân rộng lên hơn 40 ao, tổng diện tích khoảng 9000m2. Không chỉ bán ốc thương phẩm, Việt còn nuôi ốc sinh sản nhằm chủ động nguồn giống và cung ứng ra thị trường.
Trứng ốc sau khi đẻ sẽ được xếp vào thùng xốp để ấp.
Anh Việt kiểm tra chất lượng ốc con trong bể ươm.
Sau khi ấp nở và ươm giống khoảng 20 ngày, thì ốc con đạt kích cỡ bằng hạt đậu đen sẽ được xuất bán giống với giá dao động 400-1.000 đồng/con, hoặc tiếp tục nuôi để bán ốc thịt.
Việt tiết lộ, ốc bươu đen sinh sản quanh năm, nhưng nếu để nó sinh sản tự nhiên thì tỷ lệ nở con đạt thấp. Muốn ốc đẻ trứng thuận lợi thì cần tạo bờ đất xung quanh ao để chúng leo lên. Trung bình, mỗi lần ốc mẹ có thể đẻ 70-150 trứng.
Trứng sau khi đẻ sẽ được Việt gom vào thùng xốp để ấp. Khoảng 15 ngày, trứng ốc chuyển từ màu trắng sang màu đen, ốc sẽ nở. Tiếp đó, ốc con sẽ được thả xuống bể ươm, nuôi thêm 20 ngày thì ốc to bằng đầu đũa là có thể xuất bán ốc giống.
Vào mùa cao điểm, một ngày Việt có thể thu khoảng 1,5 kg trứng, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm mỗi đợt anh xuất 400-500 kg, bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình anh có thể thu lãi ròng 30-40 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về dự định tương lai, Việt cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô nuôi, thị trường và ấp ủ dự định chế biến ốc bươu đen đóng hộp đưa vào siêu thị bán...
Tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, cùng sự cần cù, ham học hỏi, Việt đã khẳng định được con đường mình chọn là đúng. Nhìn lại hành trình 3 năm "bỏ phố" về quê, anh trải lòng: "Thời điểm bị mất việc làm, rồi 3 lần nuôi ốc liên tiếp lỗ vốn khiến cuộc sống đã chật vật càng thêm áp lực, nhưng tôi luôn tự nhủ lòng: Thất nghiệp chứ không được thất bại! Và rồi nỗ lực hết sức mình để có được kết quả như hôm nay. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ nếu thời điểm này đang gặp khó khăn, thì hãy mạnh dạn thay đổi ngành nghề, thử cái mới. Tất nhiên ban đầu sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng nếu cố gắng học hỏi và quyết tâm đến cùng thì nhất định sẽ thành công".