Kỹ năng sống

Đi làm chỉ để lướt mạng

Mất tập trung khi làm việc là điều hoàn toàn tự nhiên và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, có những người luôn xem việc riêng cần thiết hơn, không bao giờ đếm xỉa gì đến suy nghĩ của người khác. Khi tuyển dụng, một doanh nghiệp có thể tìm thấy "kim cương" (nhân viên tài năng) song không hiếm trường hợp gặp phải "goldbricker" (viên gạch mạ vàng), nhân viên bề ngoài tỏ ra chăm chỉ, xông xáo nhưng thực chất không làm được mấy việc.

Doanh nghiệp tổn thất hàng trăm tỷ USD mỗi năm vì những nhân viên ăn cắp thời gian. Ảnh: SMH

Doanh nghiệp tổn thất hàng trăm tỷ USD mỗi năm vì những nhân viên ăn cắp thời gian. Ảnh: SMH

Thuật ngữ "goldbrick" có nguồn gốc từ một trò lừa phổ biến những năm 1800. Khi giao dịch vàng thỏi, người bán cắt một góc để chứng minh đó là vàng thật. Giao dịch hoàn thành cũng là lúc người mua nhận ra chỉ có góc đó là vàng, còn lại gạch vô giá trị.

Trong thời đại của công nghệ và Internet, goldbrick là hành vi đi ngược lại nhu cầu và mục tiêu của một công ty. Khi nói ai đó là goldbricker, có nghĩa họ được trả lương nhưng lại không làm việc mà dành thời gian cho cá nhân. Họ ăn cắp thời gian trên văn phòng để lướt mạng, trò chuyện, nhắn tin...

Nhân sự kém hiệu quả làm gia tăng chi phí của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không phải nạn nhân duy nhất. Lĩnh vực hay ngành nghề nào cũng sẽ có goldbricker. Chẳng hạn, năm 2009, NBC News đưa tin 700 giáo viên một trường công lập ở New York bị cáo buộc ngồi chơi cả ngày, lướt Internet hay "chỉ nhìn chằm chằm vào bốn bức tường" nhưng vẫn nhận lương. Với mức lương 70.000 USD trở lên, Sở Giáo dục New York ước tính các giáo viên này tiêu tốn 65 triệu USD mỗi năm.

Theo khảo sát năm 2012 đối với hơn 3.200 người của website salary.com, 2.100 người thú nhận họ lãng phí thời gian tại nơi làm việc, trong đó, lướt mạng đứng đầu các hoạt động goldbrick. Nhân viên lấy lý do công việc khó khăn, giờ làm việc kéo dài, không có động lực là nguyên nhân chính.

Sự bùng nổ của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter cũng như máy tính được sử dụng trong hầu hết các công việc văn phòng góp phần tạo ra thói quen goldbrick. Nếu muốn kết nối với nhau, nhân viên không còn "túm năm tụm ba" như trước mà chỉ cần lên mạng là đủ.

Nghiên cứu từ AOL.com và Salary.com chỉ ra, trung bình một nhân viên Mỹ lãng phí khoảng hai tiếng mỗi ngày. Hàng năm, hành vi này có thể gây thiệt hại hơn 750 tỷ USD. 64% người tham gia khảo sát cho biết họ lướt web tìm thông tin không liên quan đến công việc; 46% thừa nhận dùng thời gian để tìm kiếm công việc khác.

Tuy vậy, ở một phạm vi nào đó goldbrick cũng có mặt tích cực. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore đã phân tích tác động của việc sử dụng Internet không liên quan đến công việc (cyberloafing) đối với tâm trạng của nhân viên và phát hiện, cyberloafing có thể giúp người lao động "phát sinh tâm trạng tích cực để cải thiện công việc".

Nhưng goldbrick đã trầm trọng đến mức các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để chống lại nó. Một số công ty cài phần mềm giám sát lên máy tính của nhân viên để theo dõi tìm kiếm Internet hoặc chặn truy cập mạng xã hội cùng các website tương tự. Yahoo cấm làm việc từ xa vì phát hiện các nhân viên làm việc từ xa không đăng nhập máy chủ công ty thường xuyên như làm tại chỗ. Aetna, Best Buy và IBM cũng gọi mọi người quay lại văn phòng do thiếu kỹ năng làm việc nhóm.

Đại dịch Covid-19 khiến các nỗ lực này bị xáo trộn khi làm việc từ xa trở nên bắt buộc. Ngoài ra, việc cài phần mềm theo dõi lên máy tính làm dấy lên lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư. Trong khi đó, sự phổ biến của smartphone lại cho phép nhân viên ăn cắp thời gian làm việc bằng chiếc điện thoại của mình.

Vậy làm thế nào để đối phó với goldbricker?

Bước đầu tiên là cần phải thực tế. Con người không phải máy móc để có thể làm việc 8 tiếng liên tục. Dù là công việc chân tay hay trí óc, họ đều cần phải nghỉ ngơi. Do đó, các lịch trình, thời gian biểu và yêu cầu sản phẩm nên hợp lý. Thư giãn nên được nhìn nhận là hành động cần thiết giúp nhân viên "F5" trong công việc.

Bên cạnh đó, nếu nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên tôn trọng thời gian của công ty, họ cũng không nên lãng phí thời gian của người lao động. Những cuộc họp bắt buộc nhưng không có nội dung hay những núi giấy tờ, báo cáo cần được xem xét lại cho hợp lý. Nếu nhân viên cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ ít có tư tưởng chống đối hơn.

Trong kỷ nguyên của làm việc từ xa, nhà tuyển dụng cũng cần nhận ra quản trị thời gian là xu hướng lỗi thời. Thứ họ cần tập trung là quản trị mục tiêu và kết quả.

(Theo Investopedia, Traqq)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm