Doanh nghiệp

Thắt chặt kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp: Kiến tạo thị trường thay vì bóp nghẹt

Tại Tọa đàm: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" diễn ra sáng 19/4, nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận xoay quanh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ sắp sửa đổi Nghị định 153 để có khung pháp lý chuẩn hơn cho thị trường phát triển.

 Toàn cảnh buổi Tọa đàm diễn ra sáng ngày 19/4. (Ảnh: Người Lao động).

Thực trạng huy động TPDN: Không chỉ đơn giản là "3 không"

Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. 

Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 3,5%. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia thông tin.

Tuy nhiên thực trạng của việc ồ ạt huy động TPDN diễn ra “muôn hình vạn trạng”, tận dụng các kẽ hở của pháp luật để làm lợi cho chính DN mình.

Đánh giá về bất cập trong việc huy động dòng vốn trái phiếu, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Tỷ lệ trái phiếu “3 không” (tức không được bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo) chiếm tới hơn 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành. Chưa kể có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu, và sử dụng vốn ồ ạt.

Bổ sung thêm thực trạng, ông Lê Đạt Chí, Tiến sỹ đến từ Trường ĐH Kinh tế TP HCM lấy dụ ví vụ việc Tân Hoàng Minh dùng bất động sản (BĐS) để định giá lại các BĐS khác, từ đó có thể phát hành trái phiếu nhiều hơn. Họ dùng chính số tiền đó để thực hiện cho các dự án khác. Cuối cùng ông Chí cho rằng việc huy động trái phiếu như Tân Hoàng Minh không tạo ra thặng dư, không giúp phát triển nền kinh tế.

Sự việc Tân Hoàng Minh như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc cần có các biện pháp quản lý kỹ hơn việc huy động trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á thông tin, hầu như tất cả tập đoàn lớn ko đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con vừa mới thành lập. Về bản chất, tình hình tài chính của công con kém nhưng chỉ nhờ lấy danh hiệu của công ty mẹ nên mới chào bán được. Nhưng khi có rủi ro thì người ta sẽ nắm đầu công ty con.

Một vấn đề nhức nhối nữa là việc phát hành TP riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành cho thấy hình thức phát hành này quá dễ.

Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp BĐS đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác, đại diện Ngân hàng Đông Á cho hay.

 

Phát hành trái phiếu riêng lẻ khì không cần xin phép, thủ tục quá dễ dàng. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp BĐS đều chọn phát hành TP riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á

Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ TPDN hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Và sau khi phát hành xong, các kênh trung gian tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

Ông Tuấn thông tin, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí vốn 15%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay là khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn ngân hàng sẽ khuyến khích khách hàng vay thêm với lãi suất 2%/năm để mua trái phiếu, và cuối năm nhận được lãi suất 12%/năm.

Đây chính là một trong các kẽ hở của nhà đầu tư F0 tạo ra và chúng ta cũng chưa có kiểm soát khâu hậu kì, hậu kiểm. 

Khâu kiểm tra giám sát TPDN: Kiến tạo thị trường, thay vì bóp nghẹt

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định cần sớm có các biện pháp kiểm soát, xử lý, khắc phục từ Chính phủ, không được để sự việc Tân Hoàng Minh là “con sâu làm rầu nồi canh”.

TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital nêu quan điểm, thị trường TPDN là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, ông cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

"Vậy làm sao để kiểm soát? Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp là cần đánh giá tín dụng, tức khâu tiền kiểm. Thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này", ông Tuấn nói.

TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng đồng tình với quan điểm của người đại diện Dragon Capital. “Hiện thị trường Việt Nam vẫn đang có nhiều dư địa phát triển. Quy mô vốn hóa của Việt Nam khoảng 17,5% GDP, thấp so với 35% của Trung Quốc, Hàn quốc là 87% GDP, Singapore khoảng 16%, Thái lan là 25%”.

Trên cơ sở đó, chuyên gia kinh tế đưa ra các giải pháp kiến nghị với Chính phủ. Thứ nhất là sớm giải quyết xử lý các vụ việc, tránh hoang mang dư luận. Thứ hai, khuyến khích khi phát hành TPDN thì cần xếp hạng tín nhiệm.

Ví dụ ở Singapore và Hàn Quốc, họ không bắt buộc 100% nhưng khuyến khích thực hiện trước khi phát hành TPDN. Bên Singapore, nếu DN phát hành TP có xếp hạng tín nhiệm thì sẽ hỗ trợ chi phí gấp đôi so với bên không có xếp hạng.

Còn Việt Nam, ông Cấn Văn Lực đề xuất nên cân nhắc là khuyến khích hay bắt buộc. Có thể bắt buộc giai đoạn đầu, sau đó khuyến khích.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế là chúng ta mới có 2 – 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm, rất ít so với khối lượng khổng lồ của thị trường. Chưa kể làm sao rút gọn thủ tục diễn ra từ 1- 2 tháng, để tránh DN bị mất cơ hội về vốn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức xác định đến đâu?

Tựu chung lại, các chuyên gia đề nghị các biện pháp của Chính phủ phải mang tính chất kiến tạo thị trường, thay vì bóp nghẹt. Ngoài ra cũng cần tăng chất lượng NĐT cá nhân thông qua các buổi hội thảo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm