Cao đẳng thành phố Long Beach (LBCC) là ngôi trường nằm ở phía nam Los Angeles (Mỹ). Tại đây, nhà trường cho phép ít nhất là 8 sinh viên được ngủ trong ô tô tại bãi đỗ xe trong khuôn viên. Nghe có vẻ kì lạ nhưng đây là quy định được đưa ra để giúp đỡ những sinh viên không có khả năng mua hay thuê nhà.
Tờ Guardian cho biết bãi đậu xe của trường có bảo vệ, Wi-Fi và phòng tắm. Tuy tiện ích còn nhiều hạn chế nhưng cũng được coi là lựa chọn an toàn hơn so với việc sống trên đường phố - nơi luôn tồn tại nỗi lo bị cướp hay bị cảnh sát lập biên bản.
Người quản lý chương trình cho biết trong học kỳ này, có 98 sinh viên của trường xác nhận là đang trải qua tình trạng vô gia cư. Trong đó, ít nhất 25 người buộc phải sống trong ô tô.
Thiếu nơi sinh hoạt là một vấn đề gây đau đầu trong nhiều khuôn viên đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ. California là một trong những tiểu bang nổi bật về tình trạng bất bình đẳng cũng như khủng hoảng nhà ở. Chi phí thuê nhà và sinh hoạt tăng cao đã đẩy không ít người trẻ ở Mỹ vào cảnh sống chật vật.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Đại học Đại học California – Berkeley cho thấy 10% sinh viên nói rằng họ từng trải qua giai đoạn không có nhà để ở. Cuộc khủng hoảng này diễn ra nghiêm trọng hơn cả tại California, nơi tuyển sinh gần 2 triệu sinh viên mỗi năm. Phần lớn trong số này đến từ những gia đình có tài chính không ổn định.
Một thống kê toàn tiểu bang năm 2019 cho thấy 19% sinh viên đại học tại California đã trả qua cảnh vô gia cư và 60% cảm thấy thiếu an toàn vì vấn đề nhà ở. Người da màu và cộng động LGBTQ có nguy cơ bấp bênh về chỗ ở cao hơn bạn bè cùng trang lứa.
Khi là phó chủ tịch hội sinh viên của LBCC năm 2014, Majeedah Wesley vẫn sống ở nơi dành cho thanh thiếu niên vô gia cư tại Hollywood, cách khuôn viên trường khoảng 2 tiếng đi bằng phương tiện công cộng.
Sau khi cô kể về chuyện nay, nhiều người đã vô cùng bất ngờ vì họ cho rằng vô gia cư chỉ xảy ra với người không có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng đó nếu gặp sự cố hay chưa kịp thanh toán tiền thuê.
Chỉ có một chút tiền trong tài khoản và không đủ để thuê căn hộ ở gần trường, Wesley quyết định đến ở tại trung tâm dành cho thanh thiếu niên. Ngoài đi học, cô còn làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt.
Trong khi đó, Leeann (21 tuổi) cho biết nhiều bạn bè của cô cũng từng sống trong cảnh bấp bênh về chỗ ở. Tại gia đình cô, con cái phải tự lập và chuyển ra ngoài khi đủ 18 tuổi. 2 năm đầu tại đại học, Leeann đi làm thêm để có thể trả 800 USD tiền thuê nhà hàng tháng.
Sau đó, cô được nhận vào chương trình điều dưỡng của LBCC. Do các môn học khó hơn, cô phải làm việc ít đi để dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn. Bên cạnh đó, cô còn chuyển đến ở cùng một vài người bạn để tiết kiệm tiền thuê.
Đối với Leeann, có tấm bằng điều dưỡng là cách bền vững giúp cô thoát khỏi cảnh bất ổn về tài chính. Leeann cho biết bạn bè của cô và gia đình họ rất hào phóng khi cho phép cô ở nhờ hàng tuần liền.
Leeann ngồi học tại bàn bếp của gia đình một người bạn (Ảnh: Internet).
Dù vậy, việc không có không gian riêng cũng rất bất tiện với cô. "Ngôi nhà không có khu vực yên tĩnh để học và làm việc. Tôi luôn thấy có lỗi vì thức khuya bật đèn. Vô gia cư có nhiều kiểu khác nhau. Một người trông sạch sẽ, có học thức không có nghĩa là họ không phải trải qua những khó khăn về tài chính, trong đó có việc trở thành người vô gia cư", Leeann chia sẻ.
Một cuộc khảo sát năm 2020 trên 195.000 sinh viên đại học ở khắp nước Mỹ vẫn học trong đại dịch cho thấy 14% đã trải qua khó khăn về nơi ở. Họ không thích việc bị gọi là vô gia cư vì coi ô tô là nhà.
Nguồn: Guardian