Vượt qua 2 dãy núi với những con đường gồ ghề đất đá, trên đỉnh núi cao chót vót, trang trại chăn nuôi dê sinh sản của anh Lường Văn Phong hiển hiện trên nền trời xanh ngát.
Tận dụng địa thế đất nương rộng hơn 7 ha của gia đình, từ năm 2015, anh Phong đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh Phong đã tích cực tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi dê từ các cơ quan chuyên môn, qua các trang mạng và học hỏi từ chính những gia đình ở xã, ở huyện đã triển khai thành công mô hình này.
Năm 2017, anh Phong tiếp tục về tỉnh Vĩnh Phúc, mua 13 con dê giống về phát triển đàn. Đến nay, đàn dê của gia đình luôn duy trì từ 100 đến 120 con.
Nơi đỉnh núi cao chót vót, anh Phong xây dựng 2 dãy chuồng sàn nuôi dê riêng biệt, mỗi chuồng rộng khoảng 60m2.
Anh Phong chia sẻ: "Trên này thời tiết không được ủng hộ cho lắm, con dê dễ bị ho, viêm phổi với tiêu chảy do không hợp. Vì vậy, tôi cố gắng khắc phục bằng cách tiêm và cho uống thuốc thì dần dần đàn dê cũng thích nghi, phát triển được, đến nay rất là tốt".
Mô hình chăn nuôi dê của anh Phong những năm gần đây thường xuất bán khoảng gần 100 con dê giống, dê thịt và chia thành nhiều đợt, mỗi đợt bán từ 3-10 con. Với trọng lượng bình quân mỗi con khoảng 35 kg, giá bán dê thịt từ 140.000 - 155.000 đồng/kg; dê giống thì có giá bán cao hơn, mỗi con dê, anh cũng bán được khoảng hơn 5 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, tổng thu nhập từ bán dê của gia đình anh Phong đã đạt khoảng từ 450 - 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Do dê chưa thích ứng được với khí hậu núi đá cao, anh Phong đã khắc phục bằng cách tiêm và cho dê uống thuốc.
Mỗi năm, mô hình chăn nuôi dê của anh Phong xuất bán khoảng gần 100 con dê giống, dê thịt.
Để mô hình chăn nuôi dê đạt kết quả cao, anh Phong đã xây dựng 2 dãy chuồng sàn nuôi dê riêng biệt, mỗi chuồng rộng khoảng 60 m2 để đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt.
Anh Phong cũng cho hay, chỉ chăn thả dê lên đồi trong những ngày trời nắng để tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có trong tự nhiên, giúp giảm tối đa chi phí trong chăn nuôi và cho đàn dê được vận động, sinh trưởng phát triển tốt. Còn những ngày trời mưa thì đàn dê được nuôi nhốt trong chuồng và cho ăn từ nguồn cỏ của gia đình trồng tại nương, cùng các thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất...
Những ngày trời nắng, đàn dê được thả lên đồi để tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có trong tự nhiên.
Anh Phong cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho các bạn đoàn viên thanh niên có nhu cầu. "Tôi rất ưu tiên những bạn thanh niên thích học hỏi, mình rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn, đồng chí đoàn viên thanh niên. Nếu đồng chí nào muốn nuôi, hoặc có sở thích nuôi thì mình rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đưa con giống cho các bạn để các bạn chăm sóc cho tốt" - anh Phong bày tỏ.
Theo Bí thư Huyện đoàn Sông Mã Quàng Văn Thăng, anh Lường Văn Phong là một tấm gương điển hình vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi dê sinh sản. Những năm qua, Huyện đoàn Sông Mã đã lấy mô hình nuôi dê của gia đình anh Phong để tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên của xã, của huyện học tập, làm theo.
Anh Phong cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống cho các bạn đoàn viên thanh niên trong khu vực.
"Có thể khẳng định, nhờ chăm chỉ tìm tòi học hỏi, không ngại khó khăn, anh Phong đã trở thành một trong những người tiên phong làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản, đây là hướng đi giúp đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế tại địa phương, để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững" - anh Quàng Văn Thăng nói.
Từ những kết quả trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2020, anh Lường Văn Phong đã được Tỉnh đoàn Sơn La tặng Bằng khen là "Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi". Mô hình phát triển chăn nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa của gia đình anh Phong cũng trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều đoàn thanh niên, nông dân trong khu vực.