Kiên nhẫn không phải một đức tính thường thấy ở Thung lũng Silicon, nơi các công ty luôn hướng đến tiêu chí hành động nhanh, tạo đột phá, theo WSJ.
Không có đột phá nào xảy ra vào năm 2014 khi Apple giới thiệu một dịch vụ mới có tên Apple Play. Nếu chất lượng của một đột phá được đánh giá bằng tốc độ mà điều đó xảy ra, Apple Pay là một sự thất vọng lớn.
Ý tưởng về việc thay thế chiếc ví của người dùng trở nên nực cười khi tốc độ đón nhận Apple Pay còn chậm. Các nhà phân tích Phố Wall và cả người dùng iPhone đều hoài nghi về mục tiêu này của Apple suốt nhiều năm sau đó. Việc dùng một chiếc thẻ tín dụng dường như không phải một vấn đề lớn đến mức cần một giải pháp từ Apple.
Dù vậy, Apple Pay lại đang mang về “trái ngọt” cho Apple theo một cách kỳ lạ: nó diễn ra chậm chạp. Trường hợp của Apple Pay lại cho thấy kiên nhẫn có thể là một lợi thế cạch tranh dành cho các công ty biết cách tận dụng nó.
Kiên nhẫn có thể là một từ mà các “ông lớn” công nghệ không tích song thực tế để thay đổi một thói quen, con người cần thời gian. Dĩ nhiên không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để chiến đấu trong dài hạn song đây là đặc quyền công ty giá trị nhất thế giới có thể tận hưởng.
Tỷ lệ iPhone có Apple Pay được kích hoạt chỉ là 10% vào năm 2016 và 20% vào năm 2017, theo Loup Ventures. Đến năm 2018, tỷ lệ này lại tăng gần như gấp đôi và chạm mốc 50% vào năm 2020. Hiện tại, tỷ lệ kích hoạt lên tới 75%, dĩ nhiên không phải tất cả các tài khoản đã kích hoạt đều đang hoạt động.
Vậy điều gì đã thay đổi? Câu trả lời là người dùng. Lãnh đạo Apple vẫn tự tin vào tương lai mặc dù hiện tại không quá màu hồng bởi họ đã thấy phần còn lại của thế giới đang đón nhận hình thức thanh toán không chạm còn Mỹ lại tụt lại phía sau.
Apple cần thời gian để xây dựng hạ tầng công nghệ để người dùng iPhone bắt đầu sử dụng Apple Pay. Apple cũng cần thời gian để đợi người dùng đại trà cảm thấy thoải mái với sự thay đổi. Dù vậy, dữ liệu về Apple cho thấy người dùng hài lòng với Apple Pay một khi họ đã thử nó. “Mọi người thích Apple Pay”, Gene Munster, nhà phân tích tại Loup Ventures, nói trong một bài phỏng vấn gần đây. Thứ Apple cần duy nhất là nhiều khách hàng dùng Apple Pay hơn nữa. Và sự kiên trì đang mang lại “trái ngọt”.
Apple cho biết 90% các nhà bán lẻ tại Mỹ đã chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay. Tỷ lệ chấp nhận thanh toán không chạm ở thời điểm Apple giới thiệu tính năng chỉ là 3%.
Càng nhiều điểm bán lẻ chấp nhận Apple Pay, giá trị mà dịch vụ này mang lại càng lớn, và càng có nhiều người tích hợp thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ của mình vào ứng dụng Wallet. Họ có thể dùng Apple Pay để đặt đồ trực tuyến, gửi tiền đến bạn bè và mua đồ tại một cửa hàng vật lý bằng cách đặt điện thoại gần một thiết bị đọc thông tin không chạm.
Mức phí Apple thu được từ các ngân hàng nơi khách hàng mở thẻ sử dụng Apple Pay chiếm chưa tới 1% tổng doạnh thu của Apple, theo ước tính của ông Munster. Dù vậy, Apple có nhiều lợi nhuận từ iPhone đến mức hàng tỷ USD dường như vẫn là một con số nhỏ bé. Apple Pay tồn tại để nâng cao trải nghiệm người dùng đối với iPhone.
Apple có nhiều kỳ vọng lớn đối với Apple Pay. Tim Cook, CEO Apple, từng dự đoán 2015 sẽ là “năm của Apple Pay”. Đến năm 2016, ông khẳng định Apple Pay sẽ “huỷ diệt” tiền mặt. Đến năm 2018, ông thừa nhận thanh toán di động không thăng hoa như ông kỳ vọng.
Dù vậy, với Apple, sự kiên nhẫn và cứng đầu là hai khái niệm khác nhau. Apple nmhanh chóng “khai tử” dòng loa thông minh HomePod chỉ 3 năm sau khi lên kệ và cũng không chậm trễ trogn việc “khai tử” dòng máy nghe nhạc huyền thoại iPod.
Thế nhưng, với Apple Pay, thời gian lại đứng về phía Apple. Apple nói rằng doanh thu từ Apple Pay tăng gấp đôi trong năm 2019 và Tim Cook dường như vẫn rất tích cực khi nói về Apple Pay trong năm nay. “Tăng trưởng của Apple Pay thực sự tuyệt vời”, ông chia sẻ hồi tháng 1.
Apple nói rằng mục tiêu cuối cùng của nó là mang đến cho người dùng “lựa chọn thay thế ví truyền hống bằng ví di động bảo mật, riêng tư và dễ dùng”.
WSJ nhận định Apple Pay sẽ là nền móng để Apple xây dựng các mô hình kinh doanh lớn hơn. Apple “nhúng chân” vào mảng tài chính vào năm 2019 bằng cách hợp tác với Goldman Sachs để phát hành thẻ Apple Pay. Năm nay, Apple giới thiệu thêm sản phẩm “mua trước, trả sau”. Tham vọng của Apple đã thu hút được sự chú ý của các nhà phân tích, đối thủ và cả các cơ quan điều hành. Mới đây, cơ quan chống độc quyền Châu Âu cáo buộc Apple lạm dụng vị thế thị trường để ưu tiên Apple Pay. Apple nói rằng hãng sẵn sàng hợp tác với các cơ quan điều tra.
Apple cuối cùng sẽ muốn ví ảo của người dùng chứa mọi thứ từ giấy phép lái xe cho tới thẻ bảo hiểm. Dù vậy, Apple cũng hiểu rằng quá trình này sẽ không diễn ra chỉ sau một đêm. Thậm chí, mọi thứ cần đến nhiều thập niên. “Đây là vấn đề con gà – quả trứng ở mảng thanh toán”, nhà phân tích Harshita Rawat của Bernstein nói. “Thói quen người tiêu dùng rất khó thay đổi và mức độ chấp nhận của các nhà bán hàng cũng cần rất nhiều năm”, ông chia sẻ thêm.
Đối thủ của Apple sẽ không chỉ là PayPal, Samsung hay Google, mà còn là thẻ tín dụng. Apple cho rằng Apple sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm tuyệt vời hơn song điều này là chưa đủ để nhiều người dùng chọn thanh toán bằng diện thoại thay vì các loại thẻ.