Cơ cấu tổ chức của Thi hành án dân sự TP.HCM
Hôm 25.6, Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập Thi hành án dân sự TP.HCM thuộc Cục Quản lý Thi hành án dân sự, trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sắp xếp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1.7.
Cơ cấu tổ chức của Thi hành án dân sự TP.HCM gồm:
- Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự 1.
- Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự 2.
- Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Phòng Tổ chức cán bộ.
- Phòng Tài chính - Kế toán.
- Văn phòng.
- 19 Phòng Thi hành án dân sự khu vực.

Theo quy định mới, từ ngày 1.7 không còn Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, thay vào đó là Phòng Thi hành án dân sự khu vực
ẢNH: CTV
Phòng Thi hành án dân sự khu vực có trụ sở, có con dấu không có hình Quốc huy theo quy định pháp luật.
Phòng Thi hành án dân sự khu vực có trưởng phòng, phó trưởng phòng, chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án và các công chức khác theo vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế và mối quan hệ công tác giữa các phòng và tương đương thuộc Thi hành án dân sự TP.HCM.
Thẩm quyền của Thi hành án dân sự TP.HCM
Theo thông báo, Thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức thi hành các vụ việc, bản án, quyết định sau:
- Các vụ việc đang do Cục Thi hành án dân sự TP.HCM trước khi sáp nhập tổ chức thi hành.
- Bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của TAND TP.HCM.
- Các bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Từ ngày 1.7 không còn Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thay vào đó là Thi hành án dân sự cấp tỉnh
ẢNH: CẨM TÚ
- Bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
- Bản án, quyết định được phân công cho các Phòng Thi hành án khu vực mà có đương sự, hoặc có tài sản ở nước ngoài, hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
- Phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại.
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, và không khởi kiện tại tòa án.
- Các trường hợp khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan Thi Hành án dân sự TP.HCM.
Thẩm quyền các Phòng Thi hành án dân sự khu vực
Thi hành án dân sự TP.HCM phân công các Phòng Thi hành án dân sự khu vực tổ chức thi hành các vụ việc, bản án, quyết định sau:
- Các vụ việc đang do các Chi cục Thi hành án dân sự trong khu vực trước khi sáp nhập tổ chức thi hành.
- Các bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân khu vực; bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án tại khu vực đó.
- Bản án, quyết định do Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố nơi khác hoặc cơ quan Thi hành án cấp quân khu ủy thác đến và được thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự (được ủy quyền) phân công.
- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án khu vực đó.
- Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bồi thường thiệt hại của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án theo quy định của luật Tư pháp người chưa thành niên (quyết định áp dụng của các cơ quan trên xác định người chưa thành niên ở khu vực đó).
- Các trường hợp khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự TP.HCM.
Thủ tục tiếp nhận bản án, quyết định của tòa án
Thi hành án dân sự TP.HCM tiếp nhận bản án, quyết định của tòa án, qua các hình thức: trục liên thông; trực tiếp; dịch vụ bưu chính.
Tiếp nhận yêu cầu thi hành án, tiếp công dân, khiếu nại
Theo Thi hành án dân sự TP.HCM, đối với tiếp nhận yêu cầu thi hành án, đương sự có thể nộp yêu cầu thi hành án ở cơ quan này, hoặc bất kỳ Phòng Thi hành án dân sự khu vực trực thuộc có thẩm quyền tổ chức thi hành vụ việc của mình.
Thủ tục yêu cầu thi hành án được thực hiện theo tại điều 31 luật Thi hành án dân sự qua hình thức: gửi trực tiếp; gửi thông qua dịch vụ bưu chính; gửi thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thi hành án dân sự TP.HCM, các Phòng Thi hành án dân sự khu vực tổ chức tiếp công dân tại trụ sở được nêu ở trên trong giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần, trừ ngày lễ, tết theo quy định.
Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đơn đến Thi hành án dân sự TP.HCM, các Phòng Thi hành án dân sự khu vực trực thuộc thông qua: dịch vụ bưu chính; trực tiếp để được xem xét giải quyết theo quy định.