14h hôm nay, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ mở màn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đây cũng là lần đầu tiên ông ngồi "ghế nóng" kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 năm ngoái.
Giống người tiền nhiệm Phạm Hồng Hà trong lần chất vấn đầu tiên vào tháng 6/2019, ông Nghị sẽ đối diện với câu hỏi, làm thế nào để đưa được giá nhà đất về đúng với thực tế. Đây được xem là vấn đề nhức nhối của thị trường trong nhiều năm khi giá nhà đất luôn nằm ngoài tầm tay so với mặt bằng thu nhập của phần đông người lao động.
Nói với VnExpress, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ: "Nếu phải so sánh, người làm công chức với mức lương hiện nay phải mất hơn 100 năm mới mua được nhà, điều này hết sức vô lý". Theo ông, các quốc gia khác cũng có sốt đất nhưng nó phản ánh đúng, gắn với diễn biến kinh tế. Còn tại Việt Nam, thu nhập thấp, giá nhà lại quá cao.
Các khảo sát về giá nhà chung cư gần đây cho thấy, các căn hộ thuơng mại vừa túi tiền trong khoảng giá 20-25 triệu đồng một m2 tại Hà Nội, TP HCM gần như tuyệt chủng.
"Đây là điều bất hợp lý của thị trường mà trưởng ngành xây dựng cần nhận diện, và quan trọng là có giải pháp căn cơ", ông An nói. Nhà nước dù không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp vẫn cần điều tiết để thị trường đi đúng quỹ đạo. Nếu không, nó bị dẫn dắt bởi một vài doanh nghiệp lớn, ảnh hưởng đến đời sống và nhu cầu nhà ở chính đáng của người dân. Ngoài ra, ông cho rằng, Bộ Xây dựng cũng cần làm rõ có hay không việc làm giá, thao túng trên thị trường bất động sản để có điều hành phù hợp.
Trên thực tế, ngay khi nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã đặt ra ưu tiên là phát triển nhà vừa túi tiền. Ông cho biết, sẽ thay đổi căn bản tư duy thiết kế luật, cơ chế chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân. Gần đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất huy động 1,1 triệu tỷ đồng xây 1,4 triệu căn nhà ở xã hội. Hay đưa ra đề xuất về thời hạn sở hữu chung cư, trong đó, có mục tiêu hướng đến thay đổi quan điểm của người dân về nhà ở nhưng đề xuất này nhận được nhiều tranh luận trái chiều.
Trước mục tiêu của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định, các chính sách khi thiết kế cần thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, tránh được những rủi ro pháp lý, tăng yếu tố vốn... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ trưởng cần làm rõ cơ chế, chính sách, và lộ trình xây dựng số nhà ở cho công nhân.
Cùng với vấn đề nhà ở vừa túi tiền, một câu hỏi khác tiếp tục được đặt ra cho lãnh đạo Bộ Xây dựng trong quản lý thị trường bất động sản là làm thế nào để chặn triệt để cơn sốt đất. Ông An đánh giá, dù được quản lý khá tốt, thị trường vẫn tồn tại bất cập "hết nóng rồi lạnh". Ví dụ, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường đã chứng kiến vài đợt tăng giá dựng đứng khoảng đầu và giữa năm trước khi được kiểm soát trong những tháng cuối cùng.
"Có thực trạng là cơ quan quản lý cố gắng kiểm soát thị trường nhưng chưa có biện pháp điều tiết bài bản", ông Trịnh Xuân An cho biết.
Ngoài ra, di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội cũng đang gặp khó khăn nhất định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành, trong đó đề xuất di dời 13 cơ quan ra khu tây Hồ Tây và Mễ Trì. Vướng mắc lớn nhất là nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Các bộ, ngành và TP Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng...
Bên cạnh những vấn đề cũ, bài toán mới với người đứng đầu ngành xây dựng ở bối cảnh này là vốn cho bất động sản - thị trường gần đây phụ thuộc nhiều vào trái phiếu và đang gặp khó. Trong năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm gần một nửa lượng 722.000 tỷ trái phiếu phát hành và cũng là những đơn vị trả lãi suất cao nhất. Sang đến nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều thứ hai trên thị trường với tổng giá trị gần 42.600 tỷ đồng. Sang quý III, giá trị phát hành của nhóm bất động sản chỉ còn 8.000 tỷ đồng, giảm gần 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức với cơ quan quản lý, theo các đại biểu Quốc hội, một mặt là nhận diện hoặc thậm chí xử lý những trường hợp huy động trái phiếu không đúng mục đích, không có khả năng hoàn trả, thậm chí mang động cơ lừa đảo. Mặt khác là có cơ chế giúp doanh nghiệp chân chính tiếp tục có nguồn vốn để làm ăn, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc rơi vào cơn khát vốn. Với nhà đầu tư, tiếp cận vốn khó và lãi suất cao cũng khiến họ ngại rót tiền. Diễn biến này làm cho thị trường huy động vốn này có thể sụt giảm nhiều hơn thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Văn Cường, bất động sản và tài chính có nhiều liên thông. "Bộ trưởng Xây dựng sẽ phải có thông điệp, dự báo về xu hướng phát triển của thị trường cũng như là giải pháp làm thế nào để thị trường không rơi vào 'vòng xoáy của kinh tế và tài chính' và để cùng ứng phó", ông nói.
Trong phần báo cáo Quốc hội trước thềm chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng cũng chia sẻ, sẽ kiểm soát huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản. Nhưng với dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình... có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao, ông đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay.
Theo chương trình, trong chiều nay, Bộ trưởng Nghị sẽ trả lời về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội; xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại khu kinh tế, khu công nghiệp và thành phố lớn.
Ông cũng sẽ làm rõ vấn đề quản lý thị trường bất động sản; xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia.
Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Xây dựng là Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước.