Doanh nhân

TGĐ Grab Việt Nam: Dù là hợp tác công tư hay nhìn nhận vai trò quan trọng của shipper, chúng ta cũng cần phải làm nhanh, thông suốt và nhất quán

Đảm nhiệm ghế nóng Tổng Giám đốc Grab Việt Nam thay ông Jerry Lim từ đầu năm 2020, 19 tháng trên cương vị mới của bà Nguyễn Thái Hải Vân đã diễn ra khá vất vả, khi Grab Việt Nam phải đi từ đợt giãn cách này đến đợt giãn cách khác.

Tuy nhiên, ‘gian lao mới biết mặt anh hùng’, trong khoảng 2 tháng qua, trong khi nhiều đồng nghiệp khác – hoặc có lúc đóng app ‘nghỉ khỏe’ hay chỉ duy trì hoạt động tối thiểu, thì Grab vẫn kiên trì – dũng cảm ‘chạy đôn chạy đáo’ khắp nơi, hoạt động hết công suất tối đa có thể.

Hơn nữa, để không lãng phí nguồn lực, họ thường xuyên đề ra những sáng kiến nhằm hợp tác với Chính quyền chống dịch – như cho các quận và Thành phố Thủ Đức mượn hạ tầng triển khai dự án đi chợ hộ. Sáng kiến này của Grab đang được nhiều đồng nghiệp học theo.

Tuy nhiên, chia sẻ trong "Tọa đàm cấp cao Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Hewlett Packard Enterprise và IEC Group đồng tổ chức, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho rằng: Dù là hợp tác công tư hay nhìn nhận vai trò quan trọng của shipper, chúng cũng cần phải làm nhanh, thông suốt và nhất quán; mới duy trì được hoạt động kinh tế cơ bản.

"Hiện tại, Grab đang để vài quận và Thành phố Thủ Đức ở TP.HCM mượn hạ tầng của mình để thực hiện dự án đi chợ hộ và mọi chuyện đang diễn ra rất tốt.

Trong thời gian vừa qua, việc dịch bệnh diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp tại Hà Nội và TP.HCM – đặc biệt là TP.HCM, đã khiến chúng ta gặp rất nhiều thử thách trong việc duy trì chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, nếu chúng ta đẩy mạnh hợp tác công tư từ sớm – hay nói chi tiết hơn, là nếu chúng ta tìm cách vận dụng nền tảng công nghệ nhằm duy trì chuyển dịch hoạt động kinh tế ngay từ đầu, hẳn mọi chuyện đã tốt hơn", Tổng Giám đốc Grab Việt Nam, nhận định.

Vào 23/8, Chính quyền TP.HCM bắt đầu siết chặt hơn các chỉ thị về giãn cách, tại những vùng đỏ (quận và khu vực có mật độ người nhiễm bệnh cao), các siêu thị và các app giao nhận còn bị cấm hoạt động. Để đảm bảo an sinh cho người dân, Quân đội đã đưa lính từ các tỉnh thành khác vào TP.HCM để thực hiện việc đi chợ hộ.

Tổng Giám đốc Grab Việt Nam: Dù là hợp tác công tư hay nhìn nhận vai trò quan trọng của shipper, chúng ta cũng cần phải làm nhanh, thông suốt và nhất quán - Ảnh 1.

Grab đã để vài quận và Thành phố Thủ Đức tại TP.HCM mượn hạ tầng cũng như shipper của mình cho công tác đi chợ hộ. Ảnh: Hồng Phúc.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, phương thức này đã không hoạt động hiệu quả, khiến người dân và cả chính quyền địa phương đều có nhiều bức xúc riêng. Và phải đến 30/8, thì Grab mới lên tiếng về việc cho Thành phố Thủ Đức mượn hạ tầng nhằm hỗ trợ công tác đi chợ hộ của chính quyền và bộ đội.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, shipper cũng là một vấn đề mà chính quyền cần phải nhìn nhận lại. Bởi, chỉ có duy trì được lực lượng shipper thì mới duy trì được chuỗi cung ứng, bảo đảm nền kinh tế số có thể vận hành trơn tru.

"Rõ ràng, đội ngũ shipper đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng, nhưng rõ ràng, giới shipper Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức đáng ra họ nên được thế. Mặc dù Chính phủ đã có những điều chỉnh sau khi nhìn ra được thực tế và các shipper đã được ưu tiên tiêm vaccine trước, tuy nhiên vẫn còn độ chênh nhất định trong nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò quan trọng của các shipper.

Chúng ta cần có cái nhìn nhất quán – thông suốt, để có những chính sách hỗ trợ cho đội ngũ shipper hoạt động, ngoài việc tiêm vaccine còn phải đơn giản hóa những thủ tục thông chốt – đi đường.

Ở các nước khác, họ đã công nhận shipper chính là lực lượng chống dịch tuyến đầu, vậy tại sao chúng ta không học hỏi và công nhận điều đó giống họ?!", Tổng Giám đốc Grab Việt Nam nêu vấn đề.

Một việc nữa, theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, cũng quan trọng không kém, chính là việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tham gia vào bán hàng online, TMĐT hay kinh tế số.

Sau khi Covid-19 kết thúc, thói quen tiêu dùng của người Việt sẽ thay đổi rất nhiều – đặc biệt là mọi người sẽ quen với việc mua hàng online ở tất cả mặt hàng, kể cả thực phẩm. Tại Việt Nam, các hộ kinh doanh gia đình và SMEs chiếm tỷ lệ cao trong nền kinh tế so với bình quân khu vực; nếu họ không bắt kịp sự chuyển dịch của thị trường, sẽ nguy hại đến huyết mạch của nền kinh tế.

Vậy nên, nhân cơ hội vì Covid-19 mà mọi người buộc phải chuyển dịch lên online nếu muốn tiếp tục kinh doanh, chúng ta cần có chính sách khuyến khích – thúc đẩy họ tham gia TMĐT. Giúp họ không bỏ lỡ cơ hội tham gia nền kinh tế số. Ví dụ: ưu tiên hỗ trợ đối tượng kinh doanh truyền thống có thể có phương tiện để dễ tiếp cận việc bán hàng online hoặc đăng ký các cửa hàng online nhỏ trên các nền tảng như GrabMart.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm