Có thể nói Steve Jobs là người có công lớn trong việc dẫn dắt Apple trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từng có thời điểm Steve Jobs phải rời khỏi Apple vì đưa ra kế hoạch thiếu tính khả thi. Vậy nên, có cơ sở để nói rằng Apple vẫn sẽ thành công dù cho không có Steve Jobs.
Một mình Steve Jobs không thể nào đưa Apple chạm tới đỉnh cao như ngày hôm nay. Để dẫn dắt công ty đi theo con đường đúng đắn, Jobs cần rất nhiều sự đóng góp từ các nhân viên của mình.
Trong đó phải kể đến Joanna Hoffman, cựu giám đốc marketing của Apple, người phụ nữ nổi tiếng vì nhiều lần thách thức Steve Jobs.
Tác giả Adam Grant kể về câu chuyện của Donna Dubinsky khi còn là giám đốc phân phối của Apple vào những năm 1985. Thời điểm đó, Donna chỉ là một quản lý cấp trung nhưng những hành động của bà đã tạo ra sự thay đổi lớn cho cả một tổ chức.
Steve Jobs từng đề xuất đóng cửa tất cả các kho hàng của Apple tại Mỹ và chuyển sang hệ thống sản xuất just-in-time. Hệ thống này cho phép máy tính được lắp ráp và vận chuyển ngay lập tức để giảm thiểu chi phí tồn kho. Donna cho rằng phương án này là một sai lầm to lớn, có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của công ty. Bởi vì doanh số bán hàng của Apple lúc này đang khá cao và họ nhận được rất ít lời phàn nàn từ khách hàng.
Trong cuộc họp, Donna là một trong số ít những người đứng ra phản đối đề xuất của Jobs. Bà phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là đối đầu Jobs, hoặc phải đi theo sự thay đổi.
Cuối cùng, Donna lựa chọn phản đối và tuyên bố sẽ nghỉ việc nếu không thể đưa ra giải pháp thay thế sau một tháng.
Đề xuất của bà là kết hợp các trung tâm dịch vụ khách hàng thay vì chuyển sang sản xuất theo mô hình just-in-time. Điều này ít rủi ro và mang lại cho Apple nhiều lợi ích hơn so với kế hoạch ban đầu.
Cuối cùng ý tưởng được chấp nhận, Donna đã chiến thắng và được thăng chức lên vị trí quản lý cấp cao.
Nhân viên bị trừng phạt vì nói ra ý kiến
Việc Donna thách thức Jobs và đe dọa bỏ việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Adam Grant đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị trừng phạt vì nói ra ý tưởng mới cao hơn nam giới.
Trong ngành sản xuất, dịch vụ và bán lẻ, nhân viên càng ý kiến nhiều với sếp thì cơ hội được tăng lương và thăng chức càng thấp.
Tại sao những người tích cực, chủ động lại bị trừng phạt?
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi một người không có địa vị thì ý kiến của họ sẽ bị nhìn nhận một cách tiêu cực.
Vì vậy, để có cơ hội thăng tiến trước tiên chúng ta phải có được sự đánh giá cao từ đồng nghiệp và điều đó lại phụ thuộc vào các tiêu chuẩn của làm việc nhóm.
Khi làm việc nhóm tốt, bạn sẽ trở thành một người có địa vị và những ý tưởng đổi mới của bạn chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn.
Nhà sản xuất phim Francis Ford Coppola từng nói "Cách để có được quyền lực không phải lúc nào cũng chỉ đơn thuần là làm việc chăm chỉ, trước tiên hãy xây dựng địa vị cho mình, sau đó phải vượt qua thách thức".
Donna có một địa vị nhất định trong công ty: bà đứng đầu một bộ phận phân phối của Apple, được tôn trọng và luôn hoàn thành tốt công việc. Điều đó giúp bà có được sự tín nhiệm từ đồng nghiệp và nhiều cơ hội thăng tiến.
Sếp "khó tính" khiến nhân viên sáng tạo hơn
Một nhân tố khác mang lại cơ hội cho Donna là Steve Jobs.
"Các nhà quản lý cấp cao có xu hướng cởi mở với ý tưởng mới và ít bị đe dọa bởi đóng góp của người khác".
Họ quan tâm đến việc làm cho công ty phát triển tốt hơn thay vì duy trì tình trạng ổn định.
Mặt khác, bạn có thể cảm thấy dễ chịu khi làm việc cùng những người sếp thoải mái vì họ sẽ nói những điều tốt đẹp, nhưng họ sẽ có xu hướng né tránh bởi vì không thích sự thay đổi.
Trong khi nhiều người gọi Jobs là một "nhà độc tài", thì chính ông lại là người không ngại lắng nghe và rất tôn trọng ý kiến của người khác.
Jobs không chỉ đánh giá cao những người dám thách thức ông mà còn trọng dụng những ai có quan điểm khác ông, miễn là họ đúng.
Điều đó được chứng minh khi nhiều người phản đối ý kiến của Steve Jobs đã được khen thưởng.
Một vài trong số họ còn được đề bạt lên vị trí lãnh đạo.
Donna đã có một sự nghiệp thành công sau khi rời khỏi Apple và bà là người khởi động cuộc cách mạng điện thoại thông minh.
Bà trở thành giám đốc điều hành của Palm Computing, công ty đã tạo ra PalmPilot - thiết bị dẫn đến một làn sóng trợ lý kỹ thuật số cá nhân.
Năm 1997, bà bán công ty và sau đó lại thành lập Handspring, công ty phát triển điện thoại thông minh bán chạy một thời. Handspring được Palm mua lại vào năm 2003.
Quanh đi quẩn lại, chính Apple đã đưa điện thoại thông minh đến với đại chúng.
Donna có thể không nhận được nhiều tín nhiệm như Jobs nhưng không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của bà cho sự ra đời của làn sóng điện toán di động.