Trước vụ việc đáng tiếc của trẻ vị thành niên tự tử trong thời gian qua, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội để hiểu rõ hơn những diễn biến tâm lý của trẻ vị thành niên, và câu chuyện "làm bạn" của cha mẹ với con trẻ.
Tuổi teen "nổi loạn", cha mẹ cần làm bạn với con (ảnh minh họa)
Tuổi teen "nổi loạn", vì sao?
Từ góc độ một chuyên gia tâm lý, bà nhìn nhận ra sao trước những vụ việc đáng tiếc xảy đến với trẻ vị thành niên?
PGS. Trần Thu Hương: Hơn bao giờ hết, trong thời thời gian đại dịch vừa rồi, các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân nói chung và đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên nói riêng đòi hỏi sự quan tâm lớn của toàn xã hội, mà trong đó liên quan nhiều nhất đến gia đình và nhà trường.
Rõ ràng những vụ việc đáng tiếc mới xảy ra đều diễn ra tại gia đình.
Như vậy mình cần đặt ra những câu hỏi liên quan đến câu chuyện cá nhân các con, và câu chuyện liên đới trong mối quan hệ của các con với người thân trong gia đình và mối quan hệ với những người khác như bạn bè, hàng xóm…
Thực tế cho thấy trong thời điểm đại dịch, học online, các con gặp các vấn đề về cảm xúc và hành vi không kiểm soát được, chính từ đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn như một số vụ việc tự sát rất đau lòng vừa qua.
Tại sao các con lại có những hành vi nguy cơ ấy? Về mặt bản chất, trong tiến trình phát triển, ở tuổi teen các con có sự thay đổi lớn về cơ thể, về hoócmôn, ngoại hình, tâm tính, thay đổi về hành vi, nhận thức...
Đó là thời điểm mà chúng ta hay nói là các con “nổi loạn”, không phải bởi các con muốn điều đó mà bởi sự phát triển và thay đổi như đã nói, đôi khi vượt qua chuẩn mực.
Vấn đề quan trọng là người lớn đôi khi không hiểu vì sao các con lại có sự "nổi loạn" đấy, và chỉ nhìn sự "nổi loạn" đó giống như hành vi sai trái, ứng xử kém hay chống đối với người lớn.….
Cha mẹ cần hiểu trẻ không muốn vậy, nhưng sự thay đổi quá nhiều về mặt thực thể, cơ thể và cảm xúc, khiến các con khó kiểm soát được trong khi nhận thức của các con chưa bằng được người lớn. Khi bố mẹ không hiểu trẻ và các con cũng không hiểu chính mình, cũng không thể chia sẻ với người khác được, các con rơi vào khoảng không hụt hẫng rất lớn, mà ở đó trẻ không có chỗ dựa nào, phải tự mò mẫm tìm kiếm giải pháp.
Diễn biến tâm lý của trẻ vị thành niên rất khó lường dường như là bài toán khó với cha mẹ?
PGS. Trần Thu Hương: Trong khi làm việc với nhiều bạn trẻ, tôi đã được các con chia sẻ rằng “đôi khi con muốn, con thử xem con chết con sẽ như thế nào, linh hồn bay lên để được nhìn thấy mọi người đối xử với con ra sao?”… Đó chính là cảm xúc biến chuyển thông thường mà nhiều trẻ gặp phải.
Tuy nhiên, với người lớn khi nghe những điều đó đều hoảng hốt, hoặc lại cho rằng đó là điều “vớ vẩn” trong khi các con đang rất nghiêm túc nói đến điều này. Nếu bố mẹ có thể thấu cảm được, tin tưởng được thì sẽ hóa giải được các hành vi, suy nghĩ đó của các con.
Tuy nhiên, thường rất khó bởi các bố mẹ đứng trên quan điểm của người lớn để nhìn hành vi của các con và cho rằng đó là không đáng, dễ bỏ qua và gián tiếp khiến các con chơi vơi và mất niềm tin, càng khiến gia tăng các hành vi nguy cơ (tự tử, tự gây hại cho bản thân) nhiều hơn nhằm cố chứng minh với bố mẹ và người xung quanh “điều mình nói không phải là vớ vẩn”.
Đôi khi mọi người vẫn nghĩ hành vi tự sát ở trẻ như những trường hợp vừa qua là do trẻ trầm cảm. Nhưng chưa hẳn là vậy, có thể đó chỉ là cảm xúc bế tắc, không được chia sẻ kéo dài đến một lúc vượt ngưỡng khiến trẻ ra quyết định không dự tính trước hậu quả gây tổn thương rất lớn không chỉ với các con, còn tới bố mẹ và người xung quanh.
Lo lắng nhất là áp lực từ gia đình
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của hành vi tự tử ở trẻ là do chịu áp lực căng thẳng về học hành, và cha mẹ chưa đủ quan tâm, thông cảm tới trẻ… liệu đã đúng, thưa bà?
PGS. Trần Thu Hương: Thật ra mọi người đang tìm cách để giải thích nguyên nhân dẫn đến vấn đề đáng tiếc của các con. Vậy đi tìm nguyên nhân thì phải có nơi để đổ lỗi, tuy nhiên điều đó chưa hẳn đúng bởi vì thực tế mình không biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, có thể áp lực từ nhà trường, từ cha mẹ, gia đình.
Nhưng áp lực từ phía nhà trường dẫn tới việc các con ra những quyết định như vậy thì theo tôi không hẳn đúng, bởi áp lực từ học tập đã được các con trải qua thời gian dài từ khi cắp sách tới trường, đó chỉ là 1 phần rất nhỏ.
Điều khiến cho các con có hành vi nguy cơ thường là áp lực về mặt tinh thần, đến từ các mối quan hệ liên cá nhân. Đó là mối quan hệ trong gia đình, với ông bà, bố mẹ, người thân…; mối quan hệ trong nhà trường với thầy cô, bạn bè.
Và thông thường áp lực từ thầy cô không khiến các con dẫn đến hành vi tự sát mà thường gây ra hành vi chống đối nhiều hơn. Với quan hệ bạn bè cũng có thể tạo áp lực trong trẻ lâu dần dẫn tới trầm cảm, lo âu;
Điều tôi lo lắng nhất đó chính là áp lực từ ngay trong mỗi gia đình, và thường có quá trình kéo dài từ khi đứa trẻ sinh ra tới thời điểm mà đứa trẻ có hành vi nguy cơ. Và áp lực nhiều nhất là đến từ bố mẹ. Và cũng nhiều khi, áp lực đến từ chính bản thân các con nữa.
Cha mẹ ít để ý, tuổi teen rất nhạy cảm
Cha mẹ thường thương con nhất, dành cho con điều tốt đẹp nhất nhưng trên thực tế cũng là áp lực với trẻ?
PGS. Trần Thu Hương: Đôi khi các bố mẹ không hình dung ra vì sao lại là áp lực khi luôn nghĩ rằng rất thương con, luôn muốn dành điều tốt nhất cho con, đồng hành cùng con… Tuy nhiên, cha mẹ chưa hiểu được rằng với 1 trẻ đang ở tuổi mới lớn thì 1 câu nói thiếu tinh tế cũng khiến trẻ bị tổn thương.
Tôi đơn cử 1 câu chuyện được chia sẻ từ trẻ, đó là khi trẻ bị bạn bè chê béo, trẻ nói với mẹ “Con phải tập thể dục thôi”, nhưng bố mẹ nói “con tập thể dục cũng được đấy vì con gái cần phải đẹp”. Câu nói của người mẹ dù mang ý tốt nhưng vô tình như lại thúc đẩy cho con nghĩ sang vấn đề khác. Trẻ đã nghĩ “con gái cần phải đẹp” là đồng nghĩa mẹ đang cùng ý kiến với bạn bè nói con chưa đẹp…
Trẻ ở độ tuổi vị thành niên rất nhạy cảm, chỉ cần 1 câu nói thôi trẻ đã suy luận sang một câu chuyện khác. Đây là điều mà các cha mẹ ít để ý tới.
Theo thống kê của WHO trong những năm gần đây, tỷ lệ trầm cảm, các vấn đề rối loạn hành vi vì stress, tự sát ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng. Độ tuổi có tỷ lệ các hành vi nguy cơ cao (bao gồm cả hành vi tự sát) là từ 14-19…
Đây là giai đoạn trẻ có nhiều biến đổi, trong tâm thế đã dần thành người lớn nhưng chưa phải là người lớn; muốn rời khỏi gia đình nhưng lại chưa tự chủ, sống phụ thuộc cha mẹ, gia đình; muốn khẳng định bản thân… trẻ mong muốn được thấu cảm, chia sẻ và nhận được sự tin tưởng từ gia đình, nhưng rất ít cha mẹ có thể tin tưởng hoàn toàn vào con mình và chấp nhận những điều con nói. Cũng vì vậy khiến trẻ hạn chế mở lòng, chia sẻ với cha mẹ và tự bức xúc với chính mình, gây nên những hành vi tổn hại chính bản thân.
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đến tư vấn tâm lý đang gặp các vấn đề như vậy.
Vậy cha mẹ cần làm gì để đồng hành với trẻ?
PGS. Trần Thu Hương: Chính vì vậy, bố mẹ cần lắng nghe, hỗ trợ và kiểm soát trẻ trong chừng mực nhất định để trẻ có thể tự do phát triển trong khoảng không gian riêng của mình, không tạo áp lực với trẻ.
Quan trọng hơn cả bố mẹ cần đồng hành, làm bạn cùng trẻ ngay từ những ngày đầu đời.
Đồng thời, cha mẹ cần có ứng xử, lời nói đúng mực, tránh gây tổn thương trẻ và không nên cho rằng “bố mẹ có quyền kiểm soát, hành xử theo cách của mình”.
Chân thành cảm ơn bà!