Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Dù chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng kẽm là thành phần tạo nên ít nhất 300 enzym khác nhau và tham gia vào hàng trăm quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Do đó, bất cứ sự thiếu hụt hay dư thừa đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.
Ảnh: Internet
Đặc biệt, kẽm còn có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe cũng như sinh lý của cánh mày râu. Tạp chí Men’s Health đã gọi kẽm là khoáng chất “vàng” trong chuyện chăn gối nhờ những tác động tích cực của loại chất này tới khả năng sinh sản, sức mạnh sinh lý và duy trì sức khỏe sinh sản lâu dài ở nam giới.
Để đạt được sức khỏe tối ưu trong sinh sản, một người đàn ông cần đảm bảo rằng nhu cầu kẽm hàng ngày được đáp ứng thông qua các bữa ăn hàng ngày. Dưới đây là 4 tác dụng tích cực của kẽm cho sức khỏe sinh sản nam giới:
1. Kẽm tăng khả năng di chuyển của tinh trùng
Ảnh: Internet
Đối với giới nam, nồng độ kẽm trong tinh dịch liên quan trực tiếp tới chất lượng tinh trùng. Nam giới xuất tinh càng nhiều thì có thể sẽ dẫn tới thiếu hụt kẽm. Nguyên nhân là vì lúc này, cơ thể nam giới có thể dùng hết khoảng 5 miligram kẽm, tương đương với khoảng 1/2 lượng kẽm mà cơ thể hấp thụ trong 1 ngày.
Việc thiếu hụt kẽm có thể dẫn tới giảm số lượng, chất lượng tinh trùng, tần suất tình dục và cũng là nguyên nhân làm cho lượng tinh trùng di chuyển thấp hơn 50%. Tinh trùng di chuyển càng kém thì khả năng vô sinh ở nam giới tăng lên. Do đó, bạn nên bổ sung kẽm để giúp tăng cường sức bền và khả năng di chuyển của tinh trùng khi bơi tới trứng để thụ tinh. Nếu bạn có kế hoạch làm bố trong tương lai thì việc bổ sung kẽm là thực sự cần thiết.
2. Kẽm tăng cường sức khỏe sinh lý và mật độ kích thích tố sinh dục nam
Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần của testosteron và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormon khác. Các nghiên cứu khoa học về vai trò của kẽm cũng chỉ ra rằng những người đàn ông sử dụng kẽm thường xuyên mỗi ngày có lượng tinh trùng khỏe mạnh và số lượng nhiều hơn những người không sử dụng và ít khi được sử dụng kẽm.
Đàn ông thiếu kẽm có nguy cơ vô sinh, hiếm muốn cao hơn rất nhiều so với người sử dụng và bổ sung kẽm mỗi ngày.
Ảnh: Internet
3. Kẽm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng kẽm tập trung ở tinh dịch và tuyến tiền liệt nhiều hơn bất cứ cơ quan nào trong cơ thể. Do đó, việc thiếu kẽm ở nam giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh dục.
Khi nam giới bước sang tuổi già thì các vấn đề của tuyến tiền liệt cũng bắt đầu xuất hiện. Ở giai đoạn này, nếu đàn ông có xu hướng ít tập luyện thể thao và chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ dẫn tới lượng kẽm hấp thụ trong 1 ngày là không đủ. Từ đó có nguy cơ tuyến tiền liệt bị phình to và viêm tuyến tiền liệt.
Có thể nói rằng, kẽm chính là trợ thủ đắc lực của đàn ông bởi loại chất này còn có khả năng kích thích việc sản sinh ra một loại protein có tác dụng làm “tê liệt” cadmium - một tác nhân nguy hiểm gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Vì vậy, nam giới bổ sung đầy đủ kẽm cho cơ thể vừa là cách tăng cường sức khỏe sinh sản, vừa giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả.
4. Kẽm giúp phòng và chữa chứng hói đầu
Ảnh: Internet
Kẽm đóng vai trò trong quá trình tổng hợp protein và cân bằng nồng độ hormone. Thiếu chất này sẽ làm tăng hormone DHT (dihydrotestosterone) gây ra tình trạng rụng tóc bất thường ở nam giới. Ngoài ra, thiếu kẽm sẽ kéo theo sự thiếu hụt protein cản trở quá trình phát triển của nang tóc.
Do đó, thông qua việc bổ sung lượng kẽm thiếu hụt, nam giới có thể ngăn ngừa cũng như cải thiện tình trạng rụng tóc của mình. Lượng kẽm khuyên dùng cho người bị rụng tóc là 50 đến 100 milligram mỗi ngày, và bạn có thể mua thuốc bổ sung kẽm ở bất cứ hiệu thuốc nào.
Trước những tác dụng to lớn của kẽm đối với cơ thể người, việc bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống là vô cùng cần thiết. Nam giới có thể bổ sung khoáng chất vàng này cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm vào thực đơn ăn uống hằng ngày như: thịt bò nạc, hàu, thịt gà, ngũ cốc, đậu, cải xoăn, hành, rau spinach, khoai lang tím và cà rốt...
(Tổng hợp)