Thời sự

Tăng trưởng kinh tế ASEAN-6 vượt dự báo, Việt Nam vươn lên dẫn đầu trong quý II

Theo số liệu thống kê, trong quý II, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 6,93%. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (tăng 5,5-6%).

Sau kết quả cao hơn kỳ vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 lên 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5%.

Tuy vậy, trong báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đưa ra hồi tháng 4 ở mức 6,0% do vẫn có những rủi ro từ bên ngoài có thể làm chậm đà tăng trưởng này như nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn; tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiến tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam; và tăng trưởng trong nước cũng phụ thuộc vào Chính phủ thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ về tài khóa và đầu tư công.

 Tăng trưởng GDP quý II của các nước trong khu vực ASEAN-6. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Ở vị trí thứ hai là Philippines với mức tăng GDP quý II đạt 6,3%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong 5 quý gần đây.

Trong số các yếu tố đóng góp vào tốc độ tăng trưởng tích cực này, chi tiêu Chính phủ tăng 10,7% nhờ các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, nâng cấp thiết bị quốc phòng và các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2025 sắp tới.

Ngoài ra, chi tiêu hộ gia đình (chiếm 80% GDP) cũng ghi nhận mức tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm đạt trung bình 6,0%. Nếu điều xu hướng này được duy trì, nền kinh tế quốc gia này có thể đạt mục tiêu 6 - 7% của Chính phủ và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Malaysia ở vị trí thứ ba. Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) GDP nước này trong quý II đã tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Con số này cũng tăng vọt từ mức 4,2% trong quý I và vượt qua ước tính ban đầu là 5,8% nhờ xuất khẩu tăng 8,4%, cao hơn nhiều so với mức 5,2% trong quý trước, khi quốc gia này tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu.

Cùng với đó, tiêu dùng tư nhân tăng 6%, từ mức 4,7% của quý trước; sản xuất tăng trưởng với tốc độ 4,7%, cao hơn mức 1,9% của quý trước; dịch vụ tăng trưởng 5,9%, cao hơn mức 4,8% của quý trước; và tăng trưởng trong nông nghiệp đạt 7,2%, tăng so với mức 1,7% của quý trước, nhờ vào ngành công nghiệp dầu cọ.

Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cho biết, tăng trưởng kinh tế Malaysia trong cả năm 2024 dự kiến sẽ trong khoảng từ 4 - 5%.

Trong đó, chi tiêu hộ gia đình sẽ vẫn là động lực tăng trưởng trong nửa còn lại của năm nay, cùng với sự mở rộng liên tục về việc làm và thu nhập, cũng như sự hỗ trợ chính sách và các hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn từ khu vực công và tư nhân. Ngoài ra, nền kinh tế Malaysia sẽ được hưởng lợi từ sự lan tỏa lớn hơn từ chu kỳ công nghệ toàn cầu và hoạt động du lịch mạnh mẽ. 

Xếp vị trí thứ tư là Indonesia với GDP tăng 5,05% trong quý II, giảm nhẹ so với mức tăng 5,11% trong quý I và 5,17% của cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS).

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi chi tiêu hộ gia đình tăng 4,93% trong các kỳ nghỉ lễ tôn giáo và trường học. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình chậm nhất kể từ quý II/2020 và chi tiêu cho quần áo và du lịch không mạnh như trước.

Trong khi đó, chi tiêu Chính phủ chỉ tăng 1,42%, chậm lại đáng kể so với mức tăng gần 20% trong quý I – thời điểm chi tiêu đổ vào cuộc bầu cử tháng 2. Giá hàng hóa giảm và lãi suất cao đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Indonesia, mặc dù chính quyền nước này kỳ vọng chi tiêu cho bầu cử sẽ tạo ra động lực.

Tuy vậy, đầu tư tăng 4,43% trong quý II, so với mức dưới 4% trong quý I và xuất khẩu tăng 8,28% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia ngày càng tăng.

Ngân hàng trung ương Indonesia dự báo, tăng trưởng kinh tế trong hai quý còn lại sẽ được thúc đẩy bởi kế hoạch tăng kích thích tài khóa từ 2,3% lên 2,7% GDP, cùng với xuất khẩu tăng do nhu cầu mạnh hơn từ các đối tác thương mại chính của Indonesia. Cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 4,7 - 5,5% cho cả năm 2024.

Singapore xếp vị trí thứ 5 về tăng trưởng GDP trong nhóm ASEAN-6. Báo cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) nước này cho thấy, GDP quý II đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn hơn mức tăng trưởng 3% trong quý I. 

Kết quả tăng trưởng kinh tế của Singapore được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành sản xuất. Cụ thể, sau mức giảm 1,7% trong quý I, lĩnh vực này đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,5% trong quý II. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng như ngành sản xuất hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 4,3% và 1,3%.

Nhóm các ngành bao gồm thông tin và truyền thông, tài chính và bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng 5,6%, mặc dù mức tăng trưởng này có phần chậm lại so với mức tăng 5,7% của quý trước.

Theo MTI, sự tăng trưởng đột biến của GDP có thể sẽ giúp nền kinh tế Singapore đạt được dự báo tăng trưởng từ 1 - 3% cho cả năm 2024.

Thái Lan là nước có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhóm. Dữ liệu chính thức từ Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) ngày 19/8 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã tăng trưởng 2,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2024 so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng trưởng 2,1% trong một cuộc thăm dò của Reuters nhờ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu cao hơn.

NESDC kỳ vọng tăng trưởng GDP trong khoảng từ 2,3 - 2,8% trong năm nay, thu hẹp so với phạm vi dự báo trước đó là từ 2 - 3%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm