Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt áp dụng từ ngày 23/9/2022. Đây cũng là đợt tăng lãi suất điều hành đầu tiên kể từ năm 2020 sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
“Cởi trói” cho các ngân hàng thương mại
Theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay, nhằm tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Điều này lại càng quan trọng hơn khi mới đây, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm. Fed cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Điều này đã khiến đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế, gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ và điều hành chính sách tiền tệ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành phù hợp với xu hướng chung của tình hình lãi suất trên thị trường thế giới, khi nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiếp tục tăng lãi suất để kìm giữ lạm phát. Trong điều kiện đó, là một nền kinh tế hội nhập, có độ mở tương đối lớn, việc điều chỉnh tăng lãi suất là khách quan và phù hợp.
“Trong điều kiện nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng USD, diễn biến này cũng tác động và gây áp lực lớn với tỷ giá trong nước. Đặt trong mối liên hệ lãi suất - tỷ giá- lạm phát, với yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cũng như kìm giữ lạm phát, thì việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn là phù hợp và cần thiết”, ông Lệnh cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và các mức lãi suất đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng còn tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành trong thời điểm này là cần thiết khi lãi suất điều hành đã được giữ quá lâu và không còn phù hợp trong tình hình hiện tại trước bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất.
Theo Tiến sĩ Huân, việc tăng lãi suất sẽ góp phần cởi trói cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ tăng lãi suất để bù đắp thanh khoản thiếu hụt trong thời kỳ chính sách tiền tệ đang thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát hiện nay. Đồng thời cũng hạn chế việc các ngân hàng thương mại buộc phải chi lãi ngoài để thu hút người gửi tiền.
Khó ổn định lãi suất cho vay?
Trong báo cáo cập nhật về động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Dù vậy, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Theo Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành nhưng lại cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng, như các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, khi lãi suất huy động tăng một mặt có thể giúp ngân hàng huy động dễ hơn, nhưng mặt trái là chi phí sử dụng vốn cũng tăng theo và ảnh hưởng đến NIM cũng như lợi nhuận của ngân hàng. Về phía doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị tâm lý khi mà các ngân hàng sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu là phải đảm bảo ổn định lãi suất cho vay nhưng để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tìm các phương án để lách các quy định này như thu thêm phí hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng thêm các dịch vụ tài chính khác của ngân hàng mới được cho vay.
Thực tế, kể từ đầu năm đến nay, bên cạnh xu hướng tăng lãi suất huy động, thì lãi suất cho vay cũng đã có dấu hiệu nhích tăng ở một số ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, sau đợt tăng lãi suất lần này, ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022. Tuy nhiên, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022.
Để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao đó là các ngân hàng thương mại cần tiết giảm các loại chi phí (ngoài lãi suất huy động) cấu phần tạo nên lãi suất cho vay, từ đó mới đảm bảo giữ ổn định lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn, các tổ chức tín dụng phải tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ ngân hàng hàng hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng, tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ; cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động… Từ đó, giữ ổn định lãi suất cho vay bền vững, cũng như tạo dư địa cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Về phía các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài trách nhiệm sử dụng vốn vay hiệu quả, việc nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí hoạt động gắn liền với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có ý nghĩa thiết thực và rất quan trọng góp phần giữ ổn định giá cả nhờ giảm được chi phí và giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi (cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực) sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kép hiện nay là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.