Tài chính

Cuộc cách mạng của Apple

Năm sau, Tim Cook sẽ xuất hiện trước những người dùng trung thành nhất của Apple và tiết lộ sản phẩm lớn tiếp theo của hãng: Chiếc tai nghe kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường Apple Reality Pro. Thiết kế, độ nhạy và đồ họa sống động được cho là có thể “thổi bay” tai nghe VR mà Facebook, Sony và HTC sản xuất trước đó.  

Dự án được thực hiện trong suốt 7 năm, với khoảng 2.000 nhân viên, trong đó có vị lãnh đạo trước đây từng chịu trách nhiệm phát triển VR cho NASA. Chính vì vậy, mười năm sau sự thất bại của Google Glass, tai nghe Apple Reality Pro được coi là sự kỳ vọng lớn của tất cả những ai yêu mến nhà Táo khuyết. 

Theo Bloomberg, vốn hóa thị trường Apple đã tăng gấp 7 lần lên hơn 2,5 nghìn tỷ USD kể từ khi Tim Cook tiếp quản, song chiếc iPhone hơn 15 năm tuổi không thể thúc đẩy mức tăng trưởng này mãi. Cook theo đó lặng lẽ vẽ nên câu chuyện thành công lớn nhất trong lịch sử 10 năm ngành công nghệ nhờ sản phẩm tai nghe không dây AirPods. 

Phiên bản mới nhất, dự kiến được bán với giá 249 USD, chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong lần ra mắt iPhone 14 mới đây. Song hơn bất kỳ sản phẩm nào từng xuất hiện trên thị trường, Airpods đã chứng minh được sự thịnh vượng cho Apple - gã khổng lồ có rất ít đối thủ xứng tầm cạnh tranh.

AirPods nhỏ, dễ bị đánh rơi trên tàu điện ngầm hoặc ghế sofa. Vài năm 1 lần, thiết bị này cũng sẽ cần được mua mới bởi pin lithium-ion hết hạn sử dụng không thể tháo ra và nạp đầy. Dù phía Apple khẳng định các phiên bản mới sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn, song AirPods vẫn được đánh giá là khá “đắt”, đối với cả môi trường và người sử dụng. Dẫu vậy, so với các sản phẩm tai nghe có dây, AirPods của Apple vẫn rất được săn đón. 

Cuộc cách mạng của Apple  - Ảnh 1.

Chiếc tai nghe kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường Apple Reality Pro được cho là có thể “thổi bay” tai nghe VR mà Facebook, Sony và HTC sản xuất trước đó.

Apple không tiết lộ doanh số bán tai nghe, song giới chuyên gia dự đoán nhà Táo khuyết đã bán ít nhất 120 triệu sản phẩm vào năm 2021. Ước tính của IDC và Bloomberg Intelligence cũng cho thấy AirPods chiếm khoảng một nửa doanh thu các “Thiết bị đeo, sản phẩm Gia đình và Phụ kiện”, lĩnh vực kinh doanh vốn phát triển nhanh nhất của Apple. Từ năm 2016 đến năm 2021, doanh thu mảng này tăng 245% lên 38 tỷ USD. Ngân hàng Piper Sandler Cos cũng ước tính cứ 4 thanh thiếu niên người Mỹ thì có 3 người sở hữu AirPods.

Apple đã thiết lập một tiêu chuẩn cho tai nghe không dây, đồng thời biến một phụ kiện đi kèm vốn miễn phí trở thành món đồ phải mua với giá 200 USD. Tất nhiên, AirPods không thực sự là một sản phẩm độc lập. Chúng thuộc loạt dự án lớn hơn đầy tham vọng của Cook: một hệ sinh thái phần cứng, phần mềm và dịch vụ liên kết với nhau để thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn.

Khi Apple lần đầu tiên giới thiệu AirPods vào năm 2016 cùng với iPhone 7, hầu hết các sản phẩm tai nghe không dây lúc bấy giờ đều không hoàn hảo. Samsung ra mắt phiên bản của riêng mình 2 tháng trước đó, song thời lượng pin và các nút điều khiển đều không tiện lợi. Ngược lại, Apple cam kết sẽ mang lại “điều kỳ diệu” đến với khách hàng. 

Vào thời điểm đó, để sử dụng tai nghe không dây, người dùng phải giữ nút bấm trong vài giây, đợi đèn báo LED nhấp nháy báo hiệu tai nghe đang ở chế độ ghép nối, sau đó mở ứng dụng cài đặt trên điện thoại và chọn tín hiệu Bluetooth phù hợp. Việc nhập mã PIN đôi khi cũng bị bắt buộc. 

Tuy nhiên, với AirPods, kết nối sẽ được thiết lập ngay lập tức nhờ phiên bản Bluetooth độc quyền. Dĩ nhiên, nếu muốn ghép nối AirPods với điện thoại Android hoặc PC Windows, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn. 

Cuộc cách mạng của Apple  - Ảnh 2.

“Tôi nghĩ những sản phẩm này vẫn chưa chín muồi hoàn toàn. Mẫu đầu tiên không có khả năng chống nước nên bạn khó có thể đeo chúng trong khi tập luyện thể thao vì sợ hỏng”, Lauren Dragan, một nhân viên của Wirecutter chia sẻ với tờ New York Times.

Tuy nhiên, Apple đã làm cho chiếc AirPods trở nên hấp dẫn hơn bằng việc “dìm’’ các sản phẩm tai nghe có dây. IPhone 7 là thiết bị đầu tiên loại bỏ giắc cắm tai nghe truyền thống để chuyển sang phiên bản độc quyền kết nối với cổng sạc. Ý tưởng này nhằm mục đích thúc đẩy khách hàng mua AirPods nhiều hơn. Và thật may, chúng đã phát huy tác dụng.

Phóng viên Max Chafkin của tờ Bloomberg chia sẻ trong suốt 3 năm qua, anh đã mua ba đôi AirPods dù không thực sự thích chúng. Đôi đầu tiên bị gãy hỏng vì anh không may làm rớt xuống đất, trong khi đôi thứ hai dừng hoạt động vì dính nước. Chafkin cho biết thời gian đầu anh cảm thấy khá ngại khi đeo AirPods ngoài đường, song giờ đây cũng chẳng quan tâm nhiều nữa. Anh tự nhủ tại sao phải tìm kiếm thứ gì đó tốt hơn trong khi tai nghe không dây không làm anh phải lo lắng về tính hiệu quả. Quan điểm này đã đóng góp tới 5% tổng doanh thu cho Apple, một thành công đáng kể sau sự ra đi của Steve Jobs.

Max Chafkin cũng dẫn chứng việc phải trả 120 USD/năm để đăng ký iCloud làm ví dụ. Phiên bản cao cấp hơn của iCloud không đủ hữu ích để khiến vị phóng viên này hủy đăng ký Dropbox, song anh lại cần nó để sao lưu ảnh trên điện thoại. Liệu đây chỉ là công việc kinh doanh thông thường hay một cách tinh vi để tăng giá đối với người dùng iPhone?

Cuộc cách mạng của Apple  - Ảnh 3.

Apple đã thiết lập một tiêu chuẩn cho tai nghe không dây, đồng thời biến một phụ kiện đi kèm vốn miễn phí trở thành món đồ phải mua với giá 200 USD.

Chính vì vậy, trong nhiều năm, các đối thủ của Apple đã cho rằng hệ sinh thái iPhone vi phạm luật chống độc quyền. Trong phiên điều trần tại Thượng viện năm ngoái, Kirsten Daru, luật sư đại diện cho Tile đã cáo buộc Apple “lạm dụng vị thế” để tạo sự thống trị. 

Được biết trong hơn một thập kỷ nay, tin nhắn giữa các dòng máy iPhone được gửi trên một hệ thống dành cho Apple có tên iMessage. Điều này đặc biệt gây khó chịu cho người dùng Android - những người có thể bị rời khỏi cuộc trò chuyện nhóm hoặc bỏ lỡ tin nhắn từ người dùng iPhone. "Xin lỗi người dùng Android: Những chiếc iPhone này sẽ không dành cho bạn", một tiêu đề bài báo trên tờ The New York Times nêu rõ. 

Apple có thể khắc phục điều này, song nó không muốn. Trong các email nội bộ được công khai trong vụ kiện của Epic Games, các giám đốc điều hành cấp cao của Apple đã thảo luận về việc cấp iMessage cho người dùng Android, song cuối cùng vẫn quyết định bác bỏ. Họ sợ rằng các bậc cha mẹ sở hữu iPhone sẽ mua cho con cái họ những dòng điện thoại rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Google cho rằng Apple đang “gây áp lực và bắt nạt các đối thủ’’ như một cách để bán sản phẩm. 

Cùng ngày chiếc AirPods mới nhất được công bố, Cook xuất hiện trên sân khấu hội nghị công nghệ, lắng nghe một vị khán giả phàn nàn rằng mẹ của anh ấy không thể xem video con trai mình gửi vì bà dùng điện thoại Android. Anh gợi ý rằng Apple có thể khắc phục điều này bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn nhắn tin được gọi là RCS, song Cook chỉ đáp lại đơn giản: “Hãy mua cho mẹ bạn một chiếc iPhone đi”. 

Cuộc cách mạng của Apple  - Ảnh 4.

Táo khuyết đang nuôi tham vọng lớn hơn cho hệ sinh thái mới có tên “Reality”.

Ngoài tai nghe thực tế ảo, Apple được cho là sẽ sớm ra mắt bộ kính thực tế hỗn hợp, cho phép người dùng trải nghiệm kết hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Với cặp màn hình OLED 4K, 15 mô-đun camera và có khả năng hỗ trợ theo dõi mắt và cử chỉ tay, Apple kỳ vọng đây sẽ trở thành cú huých lớn cho cuộc cách mạng của mình. 

Không chỉ dừng lại ở mắt kính thực tế hỗn hợp, Táo khuyết còn nuôi tham vọng lớn hơn cho hệ sinh thái mới có tên “Reality”. Trước đó hồi năm 2017, Bloomberg từng tiết lộ Apple đang phát triển một hệ điều hành mới dựa trên iOS có tên là “rOS”, dành riêng cho thiết bị AR và VR. Đến đầu năm nay, nhiều thông tin cho rằng hệ điều hành mới còn sở hữu phiên bản AR của các ứng dụng trên iPhone.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào nhà Táo khuyết sẽ “vén màn” hệ sinh thái Reality. Đồn đoán cho rằng bộ kính thực tế tăng cường sẽ được tung ra thị trường vào năm 2023, trong khi nhiều chuyên gia lại kỳ vọng một video ngắn quảng bá nền tảng mới sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. 

Theo: Bloomberg 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm