Dinh dưỡng

Tăng huyết áp gây đột quỵ thế nào

TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích như trên, thêm rằng hiện tăng huyết áp rất phổ biến nhưng thường không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người bỏ qua, dẫn đến điều trị muộn hoặc phát hiện khi đã đột quỵ.

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Bác sĩ Tuấn cho biết tăng huyết áp âm thầm gây đột quỵ diễn ra theo hai cơ chế, dẫn đến cả hai loại đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Áp lực máu lớn liên tục tác động lên thành mạch sẽ dễ dẫn đến tổn thương lớp nội mạc - lớp lót bên trong động mạch. Những vết rách nhỏ này trở thành nơi cholesterol và tiểu cầu bám vào, hình thành mảng xơ vữa. Theo thời gian, mảng xơ vữa dày lên, làm hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lên não. Mảng xơ vữa có thể nứt vỡ dẫn đến hình thành cục máu đông, chặn dòng máu lên não, gây đột quỵ nhồi máu não.

Với đột quỵ xuất huyết não, tăng huyết áp kéo dài làm suy yếu cấu trúc mạch máu, nhất là các mạch nhỏ trong não. Những mạch này vốn mỏng manh, dễ bị giãn nở quá mức dưới áp lực lớn. Khi huyết áp tăng kịch phát, các mạch máu có thể vỡ ra, dẫn đến xuất huyết não. "Tình trạng này thường diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Tuấn nói.

Người bị đột quỵ do tăng huyết áp cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bị đột quỵ do tăng huyết áp cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ở mức bình thường, chỉ số huyết áp dao động từ 90/60 mmHg đến 129/84 mmHg, lý tưởng nhất là dưới 120/80 mmHg. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng 140/90 mmHg, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi so với huyết áp bình thường.

Bác sĩ Tuấn cho biết ước tính khoảng 80% trường hợp đột quỵ mắc bệnh tăng huyết áp. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam khá cao, khoảng 25% nam giới và 21,6% nữ giới trưởng thành bị tăng huyết áp. Nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, không biết mình bị tăng huyết áp hoặc biết nhưng không duy trì điều trị, cho đến khi gặp biến chứng phải nhập viện.

Như anh Bình, 43 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng liệt nửa người bên phải, nói khó, chỉ số huyết áp tăng 180/100 mmHg. Chụp MRI 1.5 Tesla chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não giờ thứ hai. Bác sĩ can thiệp nội mạch bằng kỹ thuật DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền), sử dụng ống thông siêu nhỏ luồn vào mạch máu ở vùng bẹn, di chuyển lên não và hút huyết khối ra ngoài. Mạch máu não của anh Bình được tái thông trong vòng 45 phút kể từ khi nhập viện.

Trường hợp khác là bà Mai, 59 tuổi, nhập viện trong tình trạng lú lẫn, co giật, huyết áp kịch phát 190/110 mmHg. Bà có tiền sử tăng huyết áp. Kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy xuất huyết não. Bác sĩ sử dụng robot mổ não AI Modus V Synaptive để định vị chính xác khối máu tụ, lựa chọn đường mổ an toàn, tránh phạm vào các mô lành và các bó dẫn truyền thần kinh xung quanh. Ca mổ hơn 60 phút đã loại bỏ khối máu tụ và cầm mạch máu bị vỡ thành công.

Bác sĩ Tuấn cho hay cả hai trường hợp trên đều hồi phục tốt, ít di chứng nhờ phát hiện sớm và bệnh viện kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ Stroke Code trong "giờ vàng".

Bác sĩ loại bỏ khối máu tụ trong não cho người bệnh đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ loại bỏ khối máu tụ trong não cho người bệnh đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp, bác sĩ Tuấn khuyến cáo mỗi người cần đo huyết áp thường xuyên, nhất là người trên 50 tuổi hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nếu phát hiện tiền tăng huyết áp (130-139/85-89 mmHg), nên đến bệnh viện kiểm tra, đánh giá định kỳ để sớm có biện pháp điều trị. Bác sĩ tư vấn cho người bệnh cách đo huyết áp thường xuyên tại nhà.

Khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ thuốc hạ áp theo chỉ định bác sĩ, đảm bảo huyết áp giảm từ từ, tránh hạ quá nhanh và duy trì quá trình điều trị liên tục, lâu dài. Giảm muối trong khẩu phần ăn (dưới 5 g mỗi ngày), bỏ thuốc lá, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, kiểm soát căng thẳng và duy trì cân nặng hợp lý để kiểm soát huyết áp.

Mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm, người có nguy cơ cao nên tầm soát đột quỵ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh. Các công nghệ hiện đại như CT 1975 lát cắt, MRI 3 Tesla, máy chụp mạch DSA... có thể phát hiện sớm tổn thương mạch máu và các bất thường ở tim, não, giúp can thiệp điều trị kịp thời. Người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như yếu liệt tay chân, méo lệch mắt, nói khó, giảm thị lực, đau đầu dữ dội... cần cấp cứu càng sớm càng tốt.

Các tin khác

Rà soát việc lập hóa đơn bán vàng

Chi cục Thuế khu vực I yêu cầu rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán hàng hóa đối với doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, trong đó có ngành vàng, bạc.

Đón hè rực rỡ cùng loạt ưu đãi hấp dẫn cho chủ thẻ quốc tế SHB

Nhằm đẩy mạnh hoạt động chi tiêu không dùng tiền mặt, giúp cuộc sống người dân tiện lợi hơn mỗi ngày, từ nay đến hết 31/12/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) hợp tác cùng các thương hiệu nổi tiếng trên cả nước tung ra hàng loạt voucher, giảm giá độc quyền dành riêng cho chủ thẻ quốc tế khi thanh toán các dịch vụ giao vận, ẩm thực, nghỉ dưỡng, lữ hành...

Giá vàng SJC tăng mạnh, bỏ xa vàng nhẫn

Sáng nay (22/5), giá vàng trong nước bật tăng theo giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC lên mốc 121 triệu đồng/lượng, bỏ xa giá vàng nhẫn 3,5 - 5,5 triệu đồng/lượng.