Những năm gần đây, các chủng virus cúm gia cầm (cúm chim, cúm gà) có xu hướng lan truyền và phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều biến thể mới không chỉ lây nhiễm cho các loài chim, gia cầm, con người và cả những loài động vật có vú khác.
Các nhà khoa học nhận ra nhiều loài động vật có vú, bao gồm các loài vật nuôi thường xuyên tiếp xúc với con người, cũng đã bị lây nhiễm virus cúm gia cầm. Trong số đó, một loài vật nuôi quen thuộc có thể xem là nguồn lây nhiễm cúm gia cầm phổ biến cho con người, chính là mèo.

Thói quen bắt, ăn thịt chim hoang dã của mèo nhà khiến loài động vật này có nguy cơ cao bị nhiễm virus cúm gia cầm và lây cho chủ nhân (Ảnh: Getty).
Một nghiên cứu, được dẫn đầu bởi các nhà khoa học đến từ Trường Y tế Cộng đồng Đại học Maryland (Mỹ), cảnh báo rằng mèo nhà cần được giám sát chặt chẽ hơn khi loài vật nuôi này có thể làm lây truyền cúm gia cầm từ những con chim di cư đến cho chính chủ nhân của chúng.
"Virus cúm gia cầm đã tiến hóa và cách chúng lây truyền giữa các loài động vật rất đáng lo ngại", tiến sĩ Kristen Coleman, làm việc tại Trường Y tế Cộng đồng Đại học Maryland, cho biết.
Nghiên cứu cho biết chính thói quen bắt và ăn thịt các loài chim của mèo, bất kể đó là chim di cư hay bản địa, có thể khiến loài động vật này tăng nguy cơ bị lây nhiễm cúm gia cầm. Đặc biệt khi mèo bắt những loài chim di cư đến từ vùng dịch, có thể khiến mèo bị lây nhiễm cúm gia cầm từ virus bên trong chim.
Không chỉ lây nhiễm từ các loài chim mang mầm bệnh, mèo cũng có thể lây truyền virus cúm gia cầm cho nhau trước khi truyền virus này sang chủ nhân của chúng.
Cũng như cách thức con người lây nhiễm cúm gia cầm từ các loại gia cầm và chim mang mầm bệnh, con người có thể lây virus cúm gia cầm từ mèo thông qua tiếp xúc gần với con vật như ôm, hôn hoặc xử lý chất thải của mèo…
Tiến sĩ Kristen Coleman và tiến sĩ Ian Bill Bemis, hai đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết mèo là loài vật nuôi gần gũi có nguy cơ cao nhất làm lây lan virus cúm gia cầm cho con người, nhưng đến nay loài động vật này vẫn chưa được giám sát một cách kỹ càng khi xảy ra dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết, khi bị nhiễm virus cúm gia cầm, mèo thường bị viêm não cấp tính (sưng não) và các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể bị nhầm với bệnh dại.
Mèo khi bị nhiễm cúm gia cầm sẽ có nguy cơ tử vong lên đến 90%, trong khi đó cúm gia cầm có thể gây nguy cơ tử vong cho con người ở mức 50-60% đối với chủng virus H5N1.
Đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus cúm gia cầm có khả năng lây từ người sang người, cũng như không có khả năng lây nhiễm khi sử dụng thịt gia cầm đã được chế biến đúng cách, nấu chín kỹ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng virus cúm gia cầm có thể tiến hóa để tạo ra những chủng mới có khả năng lây nhiễm trực tiếp giữa con người với nhau.
Ngoài ra, chính việc mèo nhà có khả năng nhiễm virus cúm gia cầm trong quá trình săn bắt, ăn thịt các loài chim mang mầm bệnh, sau đó tiếp xúc gần và lây nhiễm virus cho chủ nhân của chúng, mèo có thể coi là một nguồn lây nhiễm virus cúm gia cầm cần phải được giám sát kỹ.