Theo Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí với 5 nhóm đối tượng.
Cụ thể, miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả trẻ em tư thục, dân lập). Học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập.

Chính phủ trình Quốc hội miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025 - 2026
ẢNH: T.N
Miễn học phí đối với học sinh THCS ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền... Hiện có 10 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ học phí mầm non, phổ thông năm học 2024 - 2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn.
Ngoài ra, từ 1.9.2025 sẽ bổ sung mở rộng thêm đối tượng học sinh trung học cơ sở ngoài vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển (cả tư thục) được miễn, hỗ trợ học phí.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, vẫn còn nhiều trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục vẫn đang phải đóng học phí.
Do đó, việc xây dựng nghị quyết miễn giảm học phí sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, từng bước đạt mục tiêu phổ cập giáo dục 9 năm.
Nghị quyết bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông. Nguồn lực thực hiện từ ngân sách T.Ư và địa phương. Sau khi được Quốc hội thông qua sẽ áp dụng từ năm học 2025 - 2026.
Về tác động chính sách, theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 23,2 triệu học sinh. Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) khoảng 30.600 tỉ đồng (trong đó khối công lập là 28.700 tỉ đồng; khối dân lập, tư thục 1.900 tỉ đồng).
Tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1.9 theo các quy định hiện hành là 22.400 tỉ đồng (Trong đó công lập là 21.800 tỉ đồng; hỗ trợ khối dân lập, tư thục là 600 tỉ đồng).
Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung là 8.200 tỉ đồng (công lập là 6.900 tỉ đồng; dân lập, tư thục là 1.300 tỉ đồng).
Cho ý kiến thẩm tra, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo nghị quyết.
Về phương thức chi trả hỗ trợ học phí, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Ngoài ra, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học Chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo.