Về định giá thị trường, chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) thường được sử dụng. Để giảm độ nhiễu do tính thời điểm, chỉ số này có thể được so sánh với mức bình quân 5 năm, 10 năm. Ngoài P/E, một số chỉ số khác cũng được sử dụng phản ánh định giá thị trường như P/B (giá trên giá trị sổ sách), P/S (giá trên doanh thu), EV/EBIT (giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay). Song, P/E và P/B vẫn phổ biến nhất.
Cơn hoảng loạn cuối năm 2022 từng đưa P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam xuống mức quanh 10 lần, thậm chí thấp hơn. Khi định giá thấp hơn 50% so với bình quân 5 năm, nhiều chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thường có P/E thấp hơn so với các thị trường trong khu vực nhưng đã liên tiếp giảm trong tháng 10 – 11/2022. Song, tại thời điểm đó, với nhà đầu tư cá nhân trong nước, định giá rẻ bị lấn át bởi cuộc khủng khoảng trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức định giá ngang bằng giai đoạn dịch COVID-19 kích hoạt dòng tiền tham gia “bắt đáy”. Bên hành động mạnh mẽ nhất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là tổ chức nước ngoài, tâm điểm dòng tiền từ Đài Loan.
Đó là tâm thế đầu tư trước thềm 2023. Sang tới năm 2024, dường như câu chuyện khác biệt rất nhiều.
Trước tiên, nói về sức khỏe doanh nghiệp, sự hồi phục đã không đến như kỳ vọng của số đông. Không ít ngành nghề rơi vào trạng thái tiêu cực hơn.
Dữ liệu từ SSI Research, tổng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp giảm khoảng 5% so với cùng kỳ. Nếu nhìn một cách tích cực, kết quả này có phần khởi sắc hơn so với mức giảm hai con số ghi nhận trong ba quý trước đó. Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 15,8% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận chính là chỉ tiêu E (Earning) trong công thức định giá P/E. Nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không cải thiện thời gian tới, trong khi nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số và giá cổ phiếu đi lên, thị trường chứng khoán trở nên đắt đỏ hơn.
Ở thời điểm hiện tại, theo khối phân tích của MBS, chỉ số P/E của thị trường đang ở mức 13,x, thấp hơn khoảng 11% so với bình quân 3 năm.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà phân tích khác, chỉ số này không hoàn toàn phản ánh bức tranh chung của thị trường. Lợi nhuận của những doanh nghiệp lớn thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản chưa bị giảm sâu, khiến bức tranh sức khỏe tài chính doanh nghiệp niêm yết không được phản ánh đúng mực.
Cuối tháng 11, tổ chức cung cấp dữ liệu thị trường Fiingroup công bố mức định giá P/E của nhóm phi tài chính, loại trừ doanh nghiệp bất động sản lên tới 23,5 lần, có thời điểm vượt ngưỡng 24 lần trong tháng 10. Đây là ngưỡng định giá kỷ lục, thậm chí cao hơn nhiều so với lúc VN-Index tạo đỉnh trên 1.500 điểm đầu năm 2022.
Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa được ủng hộ của dòng tiền trong năm 2023 nhưng thiếu vắng sự hỗ trợ của yếu tố cơ bản, đã trở nên khá đắt đỏ.
Lý giải nghịch lý nhóm midcap tăng giá dù ngày càng đắt hơn, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư của SSIAM đưa ra ba lý do. Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân, bộ phận đóng vai trò chủ đạo, ưa thích sản phẩm biến động cao. Thứ hai, trong bối cảnh thanh khoản thấp, dòng tiền thích cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ hơn do dễ tăng hoặc giảm hơn.
Cuối cùng, trong nhóm VN30, thị trường của các các doanh nghiệp lớn như ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản tương đối bão hòa. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm VN30 không mạnh như VNMIDCAP.
Theo ông Bùi Văn Tốt, định giá hiện tại đối với các ngành phi tài chính không quá rẻ. Nếu như loại bỏ ngành ngân hàng và bất động sản, các ngành khác đang có định giá khá cao. Trong thời gian tới, để thu hút dòng tiền lớn vào thị trường, lợi nhuận doanh nghiệp cần tăng trưởng cao hơn để định giá trở nên rẻ hơn.
Tương tự, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích của SSI cho rằng định giá thị trường tuy thấp, nhưng nếu loại bỏ khối ngân hàng thì lại ở mức khá cao. Điều này khiến cho việc tăng điểm chung của thị trường tương đối khó.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư luôn luôn nhìn về phía trước. Ngay khi có yếu tố tích cực hơn, lạc quan hơn bắt đầu xuất hiện, các chỉ số sẽ trở lại quỹ đạo tăng trong năm 2024”, bà Phương nói.
Phân tích trên cho thấy nhà đầu sẽ có câu trả lời xác đáng hơn rằng định giá đang đắt hay rẻ nếu nhìn vào từng nhóm cổ phiếu, thậm chí vào từng doanh nghiệp.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư của VCBS, các nhà phân tích của công ty cũng nhấn mạnh về vùng định giá hợp lý của cổ phiếu để đảm bảo mục tiêu quản trị rủi ro danh mục. Nhà đầu tư được khuyến nghị vừa sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp có triển vọng tốt, vừa chú ý lựa chọn thời điểm giải ngân.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, khối phân tích của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự phòng P/E của VN-Index là 9,1 lần trong năm tới, thấp hơn nhiều thị trường khác trong khu vực. Đây là cơ sở để TPS cho rằng chứng khoán Việt Nam hút vốn ngoại trở lại sau khi bị bán ròng hơn 1 tỷ USD năm 2023.
Tuy vậy, đây không phải câu chuyện mới bởi như đã nêu trên, chứng khoán Việt Nam bị trả giá thấp hơn hay có thể nói là chấp nhận mức P/E thấp hơn khu vực trong nhiều năm nay.
Ngoài dữ liệu trên, một chỉ báo đo lường tâm lý khối ngoại, thể hiện họ “ngã giá” đắt hay rẻ với thị trường chứng khoán Việt Nam đó là trạng thái premium/discount của các chứng chỉ quỹ giao dịch trên thị trường quốc tế.
Một thực tế là hầu hết chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trạng thái chiết khấu (discount), tức đang được giao dịch trên thị trường với giá thấp hơn so với giá trị tài sản ròng.
Tại ngày 14/12, tỷ lệ chiết khấu của quỹ lớn nhất thị trường là VEIL do Dragon Capital quản lý là 16,39%. Với quỹ tỷ USD khác là VOF của VinaCapital, tỷ lệ này thời điểm cuối tháng 11 lên tới hơn 21,3%.