Theo đó, tại sản phẩm có lãi suất huy động cao nhất là "Tiền gửi Tiết kiệm oline" lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất áp dụng kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm từ 2,25% xuống 1,95%, kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2,55% xuống 2,25%, kỳ hạn 6 - 8 - 11 tháng giảm từ 3,55% xuống 3,25%.
Trong khi đó, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giữ nguyên ở mức 4,85%/năm - đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà SCB đang áp dụng.
Đây là đợt giảm lãi suất huy động thứ hai của SCB trong chưa đầy nửa tháng qua. Trước đó, ngân hàng này đã giảm mạnh 0,6 – 1,5 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn gửi từ ngày 15/12.
Sau lần điều chỉnh này, SCB hiện có lãi suất huy động thấp hơn cả Agribank, VietinBank, BIDV (dao động 2,2 - 5,3%) và chỉ cao hơn Vietcombank – Ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất hệ thống.
Trước đó, SCB từng áp dụng mức lãi suất lên tới gần 10% vào cuối năm 2022 và là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hệ thống ở thời điểm đó. Cụ thể, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi đó là 6%/năm; các kỳ hạn 6 - 11 tháng cùng được hưởng mức lãi suất 9,9%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được nhà băng này chào lãi suất lên tới 9,95%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng triển khai chương trình tặng Coupon lãi suất 0,8%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia giao dịch tiền gửi tại quầy trong thời gian từ ngày 02/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Coupon được áp dụng cho khách hàng gửi mới các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại quầy bằng VND với kỳ hạn gửi từ 06 tháng đến 11 tháng.
Kể từ đầu năm đến nay, SCB đã có 12 lần giảm lãi suất huy động với tổng mức giảm dao động trong khoảng 3,75 – 6,65 điểm % tùy từng kỳ hạn. Với mức giảm trên, SCB là một trong những ngân hàng giảm lãi suất huy động mạnh nhất hệ thống, trong đó lãi suất nhiều kỳ hạn đã giảm xuống còn chưa bằng 1/3 so với hồi đầu năm 2023.
Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.
Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.