“Tôi muốn thuyết phục những nhà quản lý, quản trị, lãnh đạo dám thay đổi, quản trị được sự thay đổi là điều vô cùng quan trọng. Hãy chứng minh chúng ta không kém gì các bạn GenZ. GenZ và GenAlpha không khiếp sợ AI, họ sẽ làm chủ thế giới”, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nói trong hội thảo diễn ra đầu tháng 5 tại Hà Nội.
Theo ông Tiến, trong thế giới thay đổi, trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất để quyết định tâm thế, hành động đối với AI. Trong đó, vị lãnh đạo FPT nhấn mạnh vai trò của thực học về AI là một trong những nền tảng để thành công.
“Chúng ta có khả năng tự học, nghiên cứu, phát triển để trở thành cái tôi tốt đẹp hơn của ngày mai. Cá nhân tôi đã có rất nhiều lúc không trả lời được cán bộ dưới quyền về chuyện có gắng làm tốt, thông minh để có nhiều tiền hơn. Có thời ở nước ta có thể nhờ quan hệ, may mắn, kiếm được nhiều tiền, khiến chúng tôi những người làm doanh nghiệp, nhà giáo cảm thấy lúng túng khi nói về sáng tạo đổi mới. Rất may thời đấy bắt đầu qua rồi. Thực học là nền tảng của thành công”, ông Tiến nói.
Theo ông, nếu đầu tư vào học tập, trong tương lai gần chúng ta sẽ thay đổi và học AI cũng là một trong những việc như vậy.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nói mọi người đều biết trí tuệ nhân tạo - đây là tương lai trong vòng thập kỷ tới, khi các hệ thống AI sử dụng toàn bộ dữ liệu do con người làm ra. Nhưng AI đã có khả năng tự sinh ra dữ liệu, thuật toán và sẽ quyết định nó sẽ làm gì. Nhiều khi kết quả của ChatGPT vô cùng bất ngờ với người lập trình ra nó.
Ông Tiến cho rằng AI đang có tốc độ tiến hoá ngày càng nhanh, có thể tự học, tự sản sinh dữ liệu. Chẳng hạn trong các cuộc thi marketing do trường Đại học FPT tổ chức, với AI giấu mặt lần nào cũng lọt vào Top 3 những người xuất sắc nhất. “ChatGPT đề ra những ý tưởng xuất sắc hơn phần lớn nhân viên”, ông cho biết.
Do đó, ông Tiến dự đoán sẽ có hàng trăm triệu công việc mới sinh ra khi làm chủ được AI, khi siêu AI ra đời, chúng ta vẫn có thể làm chủ nếu mỗi ngày chúng ta tự lọc để thay đổi mình. Theo quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, gần 40% việc làm trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI. Sinh viên có thể bị thất nghiệp ngay khi chưa tốt nghiệp.
Dẫn chứng, ông Tiến lấy ví dụ về robot Optimus do công ty của tỷ phú Elon Musk phát triển. Nếu như ngày trước, robot chỉ đơn thuần được lập trình để lặp lại việc gì đấy, làm tốt hơn con người thì ngày nay Elon Musk quyết định thay đổi điều này, tạo ra thế hệ robot có nhận thức.
Optimus có thể quan sát và tự học, như quan sát thợ cắt tóc, lái xe, thợ xây, bác sĩ… nạp dữ liệu liên tục kiến thức tốt nhất trên thế giới trên Internet, không quá 30 phút bắt đầu làm việc tốt hơn chúng ta.
“Con người mất hơn một triệu năm để đi trên hai chân. Vậy nhưng chỉ hơn một năm robot đã phát triển thế này. Những điều đã biết về robot đã quá cũ. Thế hệ người máy nhận thức, một người máy có thể làm nhiều lĩnh vực khác nhau một cách xuất sắc.
Ngón tay của Optimus tạo sự ngạc nhiên vô cùng lớn. Thực sự bây giờ là nguy cơ. Elon Musk cam kết giá thành sử dụng 1 giờ lao động của robot không quá 2,5 USD. Sẽ phục vụ chu đáo, không một lời phàn nàn, chửi mắng”, ông Tiến cảnh báo về viễn cảnh robot AI ngày càng thông minh hơn, có những ưu điểm vượt trội so với những lao động tay chân bình thường.
Thế nhưng, cũng trong hội thảo, ông Tiến khẳng định: “AI không thay thế con người. Chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại”.
Đứng trước tình thế này chúng ta không thể bế quan toả cảng, theo ông Tiến, chẳng hạn với các biện pháp như không dùng AI vì cướp việc, không học AI vì mất nhân văn,… Có thể sẽ giống người lao động ở Anh thế kỷ 17 khi đập phá máy hơi nước, máy dệt. Chúng ta phải có tinh thần khác - ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
“Điều trong lịch sử loài người luôn nhìn thấy là luôn sợ sự thay đổi. Chấp nhận ở trong vùng an toàn. Con người khó thay đổi, khó bước ra khỏi vùng an toàn. Trong lịch sử, loài người sợ nhất là sự thay đổi. Tuy nhiên, chỉ có một sự thật tồn tại duy nhất trong lịch sử nhan loại là: Mọi sự rồi sẽ đổi thay.
Tôi muốn thuyết phục những nhà quản lý, quản trị, lãnh đạo, việc dám thay đổi, quản trị được sự thay đổi là điều vô cùng quan trọng. Hãy chứng minh chúng ta không kém gì các bạn GenZ. GenZ và Alpha không khiếp sợ AI, họ sẽ làm chủ thế giới”, ông Tiến nói về sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo.
Theo ông, nhà lãnh đạo tương lai phải có tư duy hợp nhất giữa AI với con người, tư duy dự báo. AI xâm nhập vào cuộc sống, do đó lãnh đạo đòi hỏi phải am hiểu công nghệ. Ngày xưa khái niệm mù chữ thì nay mù chữ là mù công nghệ, không hiểu về data và AI.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, khi nhắc đến phẩm chất, năng lực quan trọng nhất của lao động tương lai 2030, các nhà lãnh đạo đều đồng ý: Có biết sử dụng AI và dữ liệu lớn hay không.
“Lãnh đạo hôm nay và tương lai khác ngày xưa. Lãnh đạo hay nói quyết định nhờ kinh nghiệm qua trường lớp, trải nghiệm thất bại và thành công. Nhà lãnh đạo xuất sắc luôn có trực giác lãnh đạo, giống người làm nghệ thuật. Các nhà lãnh đạo vị đại trên thế giới đều có trực giác lãnh đạo. Kinh nghiệm tạo ra lãnh đạo tốt. Trực giác tạo lãnh đạo xuất sắc. Ngày nay, lãnh đạo xuất sắc phải biết dữ liệu”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nói.
Theo ông Tiến, khoản đầu tư tốt nhất để thích ứng với đổi thay là đi học: “Quan trọng nhất tại thời điểm này, khi chưa biết nên mua bất động sản nhà phố hay chung cư, đánh chứng khoán con gì, nên đầu tư sản xuất hay kinh doanh, thì khoản đầu tư quan trọng nhất là đi học”.
Thực tế mới đây, CEO Microsoft đến Indonesia hứa giúp đào tạo 800.000 người học AI. Đồng thời, cam kết 2,5 triệu người dân ASEAN sẽ được Microsoft bỏ tiền để đào tạo AI.