Cô gái 29 tuổi tập hợp 30 người bạn tại nhà riêng với các món ngon, âm nhạc và những lời tri ân chân thành. Cùng với sự hỗ trợ của HCA Hospice Singapore, một dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư, cô biến nó thành một lễ kỷ niệm cuối đời.
Ng. qua đời 10 ngày sau đó. Tuy nhiên, màn đưa tiễn độc đáo của cô đã thu hút sự chú ý của nhiều người Singapore, với hơn 3 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Bà Jayne Leong, nhân viên y tế của HCA đã nảy ra ý tưởng tổ chức đám tang sống cho cô Ng. "Đó là trải nghiệm rất khác biệt với người bệnh khi nghe những điều mọi người nói về họ khi có cơ hội. Nó rất sâu sắc. Chia sẻ những lời cảm kích, lời xin lỗi và cả cầu xin sự tha thứ'', cô nói.
Cách này cũng làm giảm gánh nặng về kế hoạch tang lễ cho các thành viên gia đình.
Sau đám tang sống của cô Ng., có 5 bệnh nhân liên hệ với HCA muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ với những người thân thiết trước khi qua đời. Hồi tháng 4 vừa qua, HCA tổ chức một đám tang sống cho cô Carolyn Too.
Giống Ng., Too, 48 tuổi bị ung thư buồng trứng, chỉ sống được 6 tháng, tính từ thời điểm bị bệnh, tháng 5/2023.
Theo khảo sát, dịch vụ tang lễ cho người sống ở Singapore chưa phát triển, nhưng có thể đang thay đổi.
Angjolie Mei, người sáng lập dịch vụ tang lễ Life Celebrant cho biết đã thêm đám tang sống vào bảng quảng cáo của công ty mình hơn 8 năm qua. ''Tháng trước tôi nhận được ba hoặc bốn cuộc gọi về dịch vụ này khi video của Mike lan truyền rộng rãi'', cô nói.
Khái niệm đám tang sống không phải mới. Người Nhật có truyền thống sesenso, nơi người lớn tuổi tổ chức tang lễ cho chính mình khi còn sống. Trong bài báo năm 2004 đăng trên tạp chí Dân tộc học, nhà nhân chủng học văn hóa Satsuki Kawano lưu ý thói quen này giúp người cao tuổi thấy độc lập hơn, xóa bỏ định kiến cũ về tuổi già.
Ở Hàn Quốc, một xu hướng độc đáo là hàng chục nghìn người tham dự một kiểu "đám tang sống" khác. Trung tâm chữa bệnh Hyowon, do một nhà tang lễ điều hành, tổ chức các đám tang tập thể, nơi những người tham gia viết di chúc trước khi nằm trong quan tài bằng gỗ. Nghi thức này nhằm mục đích giúp họ suy ngẫm về cái chết của mình để trân trọng cuộc sống hơn, tìm kiếm sự hòa giải và cuối cùng là sống tốt hơn.
Ý tưởng về đám tang sống cũng xuất hiện trong cuốn sách bán chạy nhất ''Những ngày thứ Ba với thầy Morrie'' (Tuesdays With Morrie) của nhà văn Mỹ Mitch Albom. Cuốn hồi ký ghi lại cuộc trò chuyện của ông với giáo sư xã hội học 78 tuổi Morrie Shwartz, người chọn tổ chức đám tang sống sau khi phát hiện mình mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, một loại bệnh thần kinh vận động gây tử vong.
Bà Martha Ng, người đứng đầu bộ phận công tác xã hội và dịch vụ tâm lý xã hội của Dover Park Hospice, tin những đám tang sống không chỉ giúp ích cho những người sắp chết mà còn cho cả những người tham dự.
Đám tang như vậy mang lại cho người sắp chết nhiều quyền kiểm soát và tự chủ hơn. ''Nó cũng có tác dụng tẩy rửa, có sự chữa lành và hòa giải ở một cấp độ khác'', bà nói.
Ông Tanner Tan, người từng đứng đầu bộ phận thu hút nhân tài tại công ty bảo hiểm AIA Singapore, cho biết đám tang sống có thể sẽ không phù hợp với những người lớn tuổi và bảo thủ như người cha 91 tuổi của ông.
"Tôi chưa nghĩ đến điều đó nhưng tôi không phản đối. Nếu bạn hỏi tôi, đám tang là một sự lãng phí tiền bạc vậy đám tang sống có ý nghĩa gì? Tôi thực sự muốn có một lời chia tay vui vẻ", người về hưu 57 tuổi, nói.
Nghệ sĩ Barry Yeow, 56 tuổi, hoàn toàn ủng hộ đám tang sống. Từng là một người nghiện rượu ngồi tù nhiều lần, ông nhớ lại lần được ra tù năm 2001 để dự đám tang của cha mình.
"Tôi đứng trước quan tài và tự nghĩ: 'Tôi không thể cầu xin sự tha thứ nữa. Ông ấy đã nằm trong đó rồi. Những gì tôi nói không còn quan trọng nữa", Yeow nói.
Vì vậy, Yeow cho rằng bất cứ điều gì ta muốn làm, muốn nói đều phải làm và nói khi còn sống.
(theo ST)